(HNM) - Thời điểm này, kế hoạch tuyển sinh vào các lớp đầu cấp của 30 quận, huyện, thị xã đã được công bố trên website của ngành GD-ĐT. Cùng với việc công khai chỉ tiêu, thời gian, phương thức, tuyến tuyển sinh duy trì như những năm trước, năm nay, Hà Nội lần đầu áp dụng tuyển sinh trực tuyến là một nét hoàn toàn mới. Cách thức này cũng hướng đến việc huy động sự giám sát của cộng đồng trong việc thực thi các quy định của ngành.
Công bằng mà nói, với sự công khai như trên, công tác tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội những năm gần đây đã có nhiều điểm tích cực. Đặc biệt, không còn cảnh các bậc phụ huynh phải xếp hàng từ đêm hoặc xô đổ cổng trường để mua bộ hồ sơ nhập học cho con em mình.
Tuy nhiên, để có một mùa tuyển sinh an toàn, nghiêm túc và quan trọng nhất là không có những "điểm nóng" tiềm ẩn, vẫn còn có hai câu chuyện cần được tính toán căn cơ hơn.
Thứ nhất là việc tuyển sinh trái tuyến, đặc biệt là những trường điểm và một số trường trên địa bàn quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Ba Đình và Hà Đông. Có thể khẳng định, những năm gần đây, Hà Nội đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang cho nhiều trường học và về cơ bản không có sự khác biệt về điều kiện dạy và học giữa những trường trên cùng một địa bàn. Vậy tại sao vẫn có cảnh trường này thì được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con em theo học còn trường khác lại không được ngó ngàng? Trong câu chuyện này có vai trò của các giáo viên cũng như nhà quản lý của các trường. Vậy nên chăng, ngành giáo dục cũng "nghĩ" đến phương án luân chuyển giáo viên giỏi, quản lý giỏi góp phần giảm tải cho các trường điểm, đồng thời giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý ở những cơ sở còn "đuối". Thực tế, giải pháp này đã có hiệu quả tại Cầu Giấy với sự ra đời của Trường THCS Cầu Giấy đã giảm tải cho Trường THCS Lê Quý Đôn; hay ở Ba Đình, khi Trường THCS Nguyễn Tri Phương được thành lập, Trường THCS Giảng Võ không còn quá "nóng".
Thứ hai, theo quy định của Bộ GD-ĐT, kể từ năm học 2015-2016, các địa phương thực hiện nghiêm quy định không được tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6. Theo lý giải, việc không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6 sẽ giúp "giải quyết" bài toán dạy thêm, học thêm tràn lan và cũng tạo sự bình đẳng cho đại đa số học sinh. Nhưng trên thực tế, tại một số trường trên địa bàn như: Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu, Nguyễn Tất Thành, Marie Curie, chuyên Hà Nội - Amsterdam, Kim Đồng… được đánh giá có chất lượng đào tạo tốt, mỗi năm có đến hàng nghìn đơn đăng ký. Nhà trường mong muốn đáp ứng tất cả nhu cầu, song do điều kiện cơ sở vật chất, lực lượng giáo viên và nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục, nhà trường chỉ đáp ứng được một phần. Nếu cấm triệt để như vậy, có thể gây khó khăn cho cả phụ huynh và nhà trường.
Nói khó khăn là bởi lẽ, những trẻ có tư duy tốt, mong muốn được học ở môi trường tốt là nhu cầu chính đáng và việc có giải pháp để kiểm tra được năng khiếu đặc biệt của các em (điều rất cần thiết với những trường chuyên) là cần thiết. Nếu không có đáp án cụ thể, phụ huynh có nhu cầu sẽ gặp khó trong việc chọn trường phù hợp với năng lực của con em mình. Trong khi đó, nhà trường muốn chọn được những học sinh đáp ứng mục tiêu giáo dục cũng không có căn cứ triển khai, mà chọn "tù mù" thì sẽ ảnh hưởng ngay đến chất lượng dạy và học. Thực tế hiện nay đang có cuộc "chạy đua" các giải thưởng phụ để giành ưu thế xét tuyển giữa các học sinh. Mục đích xét tuyển là để tránh căng thẳng trong việc luyện thi vào các lớp 6 nhưng thực tế, việc các trường lựa chọn học sinh dựa vào học bạ và các giải thưởng ở cuộc thi vô tình đã bắt buộc học sinh phải tham gia hết cuộc thi này tới cuộc thi khác để lấy giải. Như vậy, việc xét tuyển cũng căng thẳng không kém so với việc thi tuyển. Thêm nữa, việc tuyển sinh ở những trường này nếu chỉ dựa vào học bạ liệu có bảo đảm loại bỏ hết tiêu cực, cộng đồng có giám sát được hay không cũng là điều cần tính toán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.