Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự hào là phóng viên Báo Hànộimới ở "điểm nóng"

Bùi Thanh Hải| 24/10/2022 06:59

(HNM) - Hơn 20 năm gắn bó với Báo Hànộimới, đặt chân đến nhiều vùng miền của đất nước nhưng với tôi, chuyến công tác theo tàu cá của ngư dân Đà Nẵng ra vùng biển Hoàng Sa khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 (tháng 5-2014) là đặc biệt nhất. Bảy ngày bám biển, chứng kiến tinh thần dũng cảm của các ngư dân giúp tôi cảm nhận rõ tình yêu nước nồng nàn thấm đẫm trong huyết quản những người dân đất Việt ở nơi đầu sóng.

Phóng viên Bùi Thanh Hải (áo đen) cùng các ngư dân trên tàu cá.

Cơ hội đến bất ngờ khi nhóm phóng viên Hànộimới vừa đặt chân tới Đà Nẵng thì nhận được thông tin, rạng sáng ngày hôm sau sẽ có đội 30 tàu cá của Quảng Nam, Đà Nẵng ra đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc. 5 phóng viên của 4 tờ báo khác đã được đồng ý theo đội tàu này và còn duy nhất 1 chỗ trống, thế là tôi lên đường, trở thành thành viên thứ 11 của tàu cá DNa - 90508TS do thuyền trưởng Nguyễn Đình Sinh (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chèo lái.

Đến giờ ngẫm lại vẫn thấy đó là một chuyến đi thật sự đáng giá. Hành trang chỉ là cuốn sổ, máy tính, máy ảnh, không được trang bị điện thoại vệ tinh như một số phóng viên báo bạn. Tôi tự nhủ phải quyết tâm ở mức cao nhất. Nhưng tác nghiệp trên tàu gỗ tôi mới hiểu nỗi lo lắng của các đồng nghiệp trong đoàn công tác khi chia tay tôi. Ban đầu là cảm giác chống chếnh, chật chội. Ở trên tàu cá thiếu thốn mọi bề. Nằm ngủ ngay trên sàn cabin, nơi từng thớ gỗ thấm đẫm mùi nước biển và mồ hôi ngư dân, bên dưới là khoang động cơ lúc nào cũng ầm ào, mùi dầu nồng nặc. "Toa lét" chỉ là một cái cọc ở đuôi tàu để... bám vào. Tàu gỗ nhỏ, công suất 615 mã lực, tốc độ tối đa 4 - 5 hải lý/giờ (mỗi hải lý khoảng 1,8km), sóng cấp 3, 4 đã rung lắc mạnh. Ngồi còn khó vững chứ đừng nói đến làm việc khác. Nước ngọt hết sức hạn chế, chủ yếu để đun nấu, còn tắm thì 2 ngày được một lần, mỗi lần... vài gáo! Khó khăn là vậy nhưng tôi cảm nhận được tình cảm chan chứa, chia sẻ, đùm bọc của các thuyền viên và nhanh chóng hòa đồng. Cảm xúc trào dâng bởi cảm giác mình cũng như con tàu nhỏ bé như cột mốc chủ quyền của Tổ quốc giữa đại dương bao la... 

Sau 2 ngày rưỡi lênh đênh, chúng tôi tới khu vực Hoàng Sa. Đã có thể nhìn rõ cái giàn khoan kia nhô cao trên mặt biển. Từ thời điểm đó cho đến nhiều ngày sau, chúng tôi đối mặt với muôn vàn hiểm nguy khi những tàu cá vỏ sắt loại 2.500 - 3.000 tấn của Trung Quốc - được gia cố, lắp mũi sắt nhọn cùng mỏ neo nhọn, bên sườn gồ lên khối sắt tạo răng cưa - liên tục áp sát những chiếc tàu gỗ mỏng manh của ngư dân Việt Nam. Họ đâm va vào tàu cá mình bất kể ngày hay đêm, không theo một quy luật nào. Trong đội tàu của Quảng Nam, Đà Nẵng ra khơi đợt đó, nhiều tàu đã bị đâm sập cabin sau, có tàu bị vỡ nát giàn đèn câu mực bên hông, thậm chí tàu DNa-90152TS cùng đội với tàu DNa-90508TS ít ngày sau đã bị đâm chìm.

Tác nghiệp trong hoàn cảnh không có internet, không có sóng điện thoại, tôi chỉ biết căng mình quan sát, ghi chép, chụp ảnh và phối hợp cùng các ngư dân trên tàu tìm cách tránh những cú đâm va của tàu cá Trung Quốc. Có những lúc tưởng chừng tàu DNa-90508TS không thể tránh được những cú đâm tàn khốc giữa vòng vây tàu sắt. Vậy mà cuối cùng tàu của chúng tôi vẫn tìm được lối đi an toàn để bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Giữa trùng khơi, trong những ngày biển lặng nhưng ngư dân vẫn không thể đánh bắt cá vì đám “tàu lạ” quấy phá. Bù lại, tôi học được nghề đi biển và nhất là tranh thủ đôi lúc yên ả để thỏa sức bơi lặn ở vùng biển có độ sâu tới 2.000m... Đó là những cảm xúc không thể nào quên.

Bảy ngày bám biển cùng ngư dân, vừa khi đã có đủ tư liệu, hình ảnh cần thiết thì tàu chúng tôi gặp tốp tàu kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Tôi lên tàu lớn trở về đất liền. Vài người hỏi tôi ở đơn vị nào. Tôi nói tên Hànộimới và không giấu được niềm tự hào khi là một trong những phóng viên báo chí Thủ đô đầu tiên có mặt ở "điểm nóng" Hoàng Sa.

Kết thúc chuyến công tác, loạt phóng sự "Cột mốc chủ quyền giữa trùng khơi" đăng 7 kỳ trên Báo Hànộimới nhận được sự đánh giá cao của bạn đọc. Xúc động hơn nữa khi vào cuối năm 2014, "Cột mốc chủ quyền giữa trùng khơi" được trao giải Nhất tại Giải báo chí Ngô Tất Tố do Hội Nhà báo thành phố Hà Nội tổ chức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tự hào là phóng viên Báo Hànộimới ở "điểm nóng"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.