(HNM) - Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, 3 triệu tấn apatit, 193 nghìn tấn mangan và nhiều loại khoáng sản khác với sản lượng lớn.
Với quy mô khai thác như hiện nay, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần. Ước tính, số năm khai thác còn lại của barit là 21 năm, thiếc là 19 năm, chì - kẽm là 17 năm, vàng là 21 năm...
Điều đáng nói là mặc dù khoáng sản đã và đang bị khai thác ồ ạt, song ngân sách nhà nước lại chẳng thu được bao nhiêu từ nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia. Một báo cáo được công bố gần đây cho thấy, nguồn thu từ thuế tài nguyên vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu thuế quốc gia. Năm 2011, tổng thu từ thuế tài nguyên đạt 39.299 tỷ đồng, chiếm 5,4%. Đến năm 2014, thuế tài nguyên chỉ còn hơn 38.000 tỷ đồng, chiếm 4,4%. Tại nhiều địa phương, số thu thuế khai thác tài nguyên không đủ bù đắp các chi phí quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, công nghệ khai thác lạc hậu, trong khi đó cơ chế giám sát còn quá lỏng lẻo, thậm chí là bất lực. Đang tồn tại một cơ chế là doanh nghiệp tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm mà ai cũng biết rõ là không thể tin vào sự tự giác của doanh nghiệp. Nhưng nguy hiểm hơn, như khẳng định của GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam chưa quản lý được việc cấp phép khai thác khoáng sản.
Các địa phương cấp phép theo "tư duy riêng", bị chi phối bởi quan hệ lợi ích. Việc phân cấp trong cấp phép cũng nhiều méo mó. Theo quy định, Trung ương cấp phép các mỏ lớn, địa phương cấp phép các mỏ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nhiều địa phương cấp phép vượt quyền, tự ý "lách luật" là chia nhỏ các mỏ lớn ra để cấp phép.
Lợi ích cục bộ, cộng với cơ chế quản lý, giám sát kém đã dẫn tới tư duy "chia phần" tài nguyên chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thất thu thuế lớn trong khi tài nguyên đang ngày một cạn dần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.