(HNMO) - Sáng 6-11, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giáo dục Đại học, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.
ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam). |
Cần có lộ trình thực hiện tự chủ
Cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới, ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam) nêu thêm, trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng quyền tự chủ đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường đại học, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và chất lượng học.
Theo đại biểu, nếu tự chủ về tài chính học phí mà không có những tiêu chí quy định chung ngay trong Luật sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người nghèo mất cơ hội học tập vì học phí cao. Mặt khác, tự chủ về cơ sở vật chất đối với các trường đại học công lập, nếu không có những chế tài kiểm soát chặt chẽ về cơ sở vật chất đầu tư, sẽ dẫn đến một số trường có nguy cơ lệch hướng đào tạo.
“Việc đồng thời cho phép các trường đại học chủ động mở thêm các mã ngành đào tạo, trong khi đó chưa có chế tài quy định chặt chẽ về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất làm cho chất lượng đào tạo không cao. Trong một thời gian rất ngắn, các trường đại học đã mở thêm 184 mã ngành đào tạo, thậm chí có những ngành đào tạo cần có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chuyên sâu, đáp ứng với yêu cầu như ngành y, ngành dược. Đề nghị dự thảo luật cần quy định từng tiêu chí cụ thể đối với từng vấn đề tự chủ của các trường đại học” - Đại biểu nêu.
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng việc thí điểm cơ chế tự chủ đại học được thực hiện từ năm 2012 nhưng từ lý luận đến thực tiễn dường như chưa gặp nhau. Do đó, đại biểu mong muốn với Luật này sẽ tạo ra tự chủ thực sự.
“Thời gian qua, mình cho tự chủ nhưng khống chế trần học phí, chính vì vậy một số trường rất khó tự chủ. Do vậy, tôi đề nghị 3 mặt tự chủ trong đó tự chủ học thuật là mục tiêu phát triển, tự chủ tài chính là động lực phát triển, tự chủ nhân sự là nền tảng phát triển của nhà trường” - đại biểu phân tích thêm.
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) |
ĐB Dương Minh Tuấn nêu quan điểm, tự chủ không có nghĩa là buông để các trường tự bơi mà nhà nước có đầu tư rồi rút ra dần dần, giống như bầu sữa mẹ. Và phải tùy theo thể trạng của từng “con” mà cho “cai sữa”, từ từ rút ra một phần hoặc coi thể trạng để tiếp tục đầu tư. Vừa rồi chúng ta thí điểm cho một số trường được tự chủ về tài chính rồi trường đó nâng học phí dịch vụ lên, nhiều cử tri than phiền giá học phí quá cao. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cần có lộ trình tự chủ để tránh tình trạng “nay mai bung rồi giá nâng cao lên”, một số học sinh sinh viên nghèo khó có thể vào trường top đầu do thực hiện tự chủ giá sẽ rất cao.
Đại biểu cũng đặt ra vấn đề dự thảo Luật có tiên liệu một điều là trích một phần để đưa vào Quỹ hỗ trợ sinh viên nhưng như vậy là chưa đủ mà phải có điều khoản ràng buộc các trường đại học phải trích tỷ lệ bao nhiêu phần trăm làm học bổng.
Không thể có đại học vô chủ
ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh ) trong phát biểu của mình đã tập trung phân tích về Điều 7 dự thảo Luật có xác định cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước đầu tư, đảm bảo điều kiện hoạt động.
“Tôi thấy nên viết rõ cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước là chủ sở hữu đầu tư, đảm bảo hiệu quả lao động. Chữ "chủ sở hữu" rất quan trọng vì chủ sở hữu là người đề xuất và được chấp nhận lập đại học, là người đầu tư cho đại học phát triển nhưng phải là người có quyền quyết định nhân sự. Bởi chủ sở hữu mà không quyết định nhân sự thì nhân sự đó sẽ vận hành đại học theo hướng khác nên theo tôi nên có khái niệm "chủ sở hữu"” - Đại biểu nêu.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh). |
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân so sánh vấn đề sở hữu đại học và vấn đề sở hữu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tuy khác nhưng có những nét giống nhau. Ông phân tích chúng ta đã mất khá nhiều thời gian để xác định ai là chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, có đề cập đến một số chủ sở hữu nhưng không có định nghĩa. Chủ sở hữu tức là có vốn, có quyền thành lập, quyền đầu tư, quyền quyết định nhân sự và xử lý chế tài khi vi phạm pháp luật.
"Nếu không làm rõ thì sẽ thấy rằng các trường đại học như không có chủ, rất nguy hiểm! Không thể có đại học vô chủ. Đại học phải có chủ và người chủ phải làm đúng quyền của mình. Xin đề nghị có điều chỉnh điều này" - Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh
Trao đối với các đại biểu đã nêu cuối phiên thảo luận, đại biểu Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng việc làm sao để tăng tự chủ thật sự cho trường đại học là vấn đề lớn và hết sức quan trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. |
“Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã đặt ra vấn đề tự chủ đại học. Nhưng quả thật, chúng ta chưa triển khai được. Thời gian qua, từ trình tự, chúng ta đi từ thí điểm nhỏ cho đến lúc chúng ta có hơn 20 trường làm thí điểm, đến nay cũng đã có được một số kết quả tốt. Vì vậy, bây giờ ta tạo điều kiện hành lang lớn hơn về pháp lý để phát triển. Việc đặt ra 3 tự chủ đó là chuyên môn, tổ chức nhân sự và tài chính, tài sản là một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức và phải quyết tâm tạo ra được sự chuyển đổi này” - đại biểu Phan Thanh Bình nêu.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng, trước hết các cơ sở giáo dục đại học phải có đủ điều kiện mới được tự chủ và tiêu chuẩn đầu tiên là phải đạt chuẩn kiểm định. Đi đôi với quyền tự chủ là trách nhiệm giải trình trước xã hội, với cấp trên, với người học. Các trường phải công khai hàng năm, từ vấn đề chuyên môn, chương trình đào tạo, sinh viên ra làm việc có việc làm hay không và vấn đề tài chính.
Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp, dự kiến trong sáng 20-11, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.