Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trước hết là nâng cao chất lượng quản lý

Nguyễn Đức| 06/11/2015 06:12

(HNM) - Tại hội nghị toàn quốc về quản lý chất lượng nông, lâm sản diễn ra ngày 5-11, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Trong 9 tháng gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 10% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép; hơn 7% mẫu thịt có hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng...

Việc nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất không trong danh mục cho phép hoặc sử dụng không đúng quy trình kỹ thuật không phải chuyện mới lạ, nhưng lần nào đưa ra cũng mới và cũng "nóng", khiến dư luận… giật mình. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết ớn lạnh xương sống khi nghe thông tin một hộ dân ở Bình Dương sử dụng chất diệt cỏ để ép chuối chín vừa bị phát hiện. Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, hành vi đó không chỉ vi phạm quy định mà còn là… tội ác. Việc sử dụng các chất cấm trong sản xuất lương thực, thực phẩm thực sự là phi nhân tính bởi có thể ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe cộng đồng, giống nòi. Hai loại nông sản được quan tâm nhiều nhất có liên quan tới thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất… là rau và thịt. Rau thì còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép; thịt thì nhiễm khuẩn hoặc có tồn dư hóa chất độc hại khi sử dụng thức ăn chăn nuôi có chất tạo nạc là salbutamol. Trong phiên họp diễn ra một vài ngày trước đây, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã chất vấn gay gắt về việc nhập và sử dụng salbutamol trong chăn nuôi. Thế nhưng, vẫn chưa rõ trách nhiệm và giải pháp để xử lý triệt để tình trạng này. Một đại biểu Quốc hội thậm chí đành phải đề nghị các bác nông dân vì sức khỏe cộng đồng, đừng sử dụng hóa chất, chất cấm trong sản xuất, tẩm ướp vào rau quả.

Đúng là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn còn lúng túng trong việc kiểm soát chất lượng nông, lâm sản, do đó thường phải đề nghị, kiến nghị lẫn nhau và với cả… nông dân. Ngay tại hội nghị, Bộ NN&PTNT cũng tiếp tục đề nghị các địa phương phải tập trung kiểm soát chất lượng rau và thịt, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết việc sử dụng chất cấm là vi phạm pháp luật. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương chỉ cho người tiêu dùng địa chỉ có thể mua thực phẩm an toàn. Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản quả là không đơn giản, nhất là với nền sản xuất nông nghiệp quy mô nông hộ, nhỏ lẻ. Trong khi đó, việc quản lý nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán vẫn tồn tại không ít vấn đề. Các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đưa tin việc bắt giữ thực phẩm không có nguồn gốc, thậm chí đã… bốc mùi lưu thông qua nhiều địa phương trước khi bị kiểm tra, xử lý. Khâu giết mổ, chế biến nông sản, thực phẩm cũng tiềm ẩn nguy cơ...

Tuy nhiên, không thể vin vào đó để giải thích cho những hạn chế trong công tác quản lý kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm. Bởi lẽ nông sản, thực phẩm không bảo đảm an toàn không chỉ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, mà về lâu dài làm tổn hại sức khỏe cộng đồng, giống nòi. Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế sâu rộng và không ít lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với khó khăn khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực. Với thực trạng nêu trên, chắc chắn nông sản Việt Nam không thể cạnh tranh tại những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Để nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm, có lẽ trước hết phải siết chặt, nâng cao chất lượng quản lý mới ngõ hầu theo kịp "cuộc chơi".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước hết là nâng cao chất lượng quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.