(HNM) - Những ngày gần đây đã có nhiều tiến triển trong nỗ lực đẩy lùi dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất thế giới là mắt xích quan trọng, có vai trò quyết định trong tiến trình phục hồi và phát triển nền kinh tế khu vực cũng như toàn cầu.
Lần đầu tiên sau 3 năm, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đã dừng cập nhật thông tin về số ca mắc mới Covid-19 hằng ngày kể từ ngày 25-12-2022. Cùng với đó, Trung Quốc cũng quyết định sẽ mở cửa biên giới trở lại với Hồng Kông trước Tết Nguyên đán (tức giữa tháng 1-2023). Những diễn biến mới diễn ra trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất thế giới tiếp tục có những điều chỉnh đáng kể trong chính sách phòng, chống dịch. Chỉ trong vài tuần, các biện pháp phong tỏa đã từng bước được dỡ bỏ, thời gian cách ly rút ngắn, nhiều hạn chế đi lại đã nới lỏng.
Các nhà dịch tễ học Trung Quốc cho biết, những điều chỉnh mang tính bước ngoặt nhằm đẩy trọng tâm cuộc chiến chống Covid-19 của Trung Quốc từ kiềm chế lây nhiễm sang tăng cường nguồn lực củng cố hệ thống y tế cho làn sóng thoát dịch, là bước đi quan trọng bảo đảm mở cửa trở lại an toàn. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, mặc dù số ca mắc mới tăng trên toàn quốc, nước này không có trường hợp tử vong do Covid-19 trong những ngày gần đây.
Chuyển biến tích cực trong cuộc chiến chống dịch là điều đáng mừng trước hết với Trung Quốc. Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng, tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2023 có thể đạt tới 5,2% nếu mở cửa trở lại sớm, và có thể thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng trong nước.
Với thế giới, những “tín hiệu vui” từ Trung Quốc được mong chờ từ lâu. Giới quan sát đánh giá, điều này sẽ tạo ra động lực kinh tế lớn, đặc biệt là với khu vực châu Á. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các biện pháp chống dịch quyết liệt ở Trung Quốc thời gian qua là một trong ba trở ngại lớn kìm hãm những nỗ lực hồi phục kinh tế tại nhiều nơi trên thế giới. Hai nguyên nhân còn lại là ngân hàng trung ương nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ và chiến sự tại Ukraine kéo dài.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cảnh báo, Trung Quốc cần cảnh giác trong công tác kiểm soát dịch bệnh bởi nguy cơ vẫn tiềm ẩn, mà gần nhất là cuộc "đại di dân" về quê đón Tết có thể dẫn đến làn sóng lây nhiễm mới. Hiện, giới chức Trung Quốc vẫn đang yêu cầu huy động tối đa nguồn lực để kiểm soát dịch bệnh; triển khai mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 tăng cường thứ hai cho các nhóm dễ bị tổn thương; đẩy mạnh các nỗ lực bảo đảm nhu cầu thuốc men và chăm sóc y tế của người dân.
Dù vậy, những rào cản không ngăn được quyết tâm vượt qua dịch bệnh, phục hồi kinh tế. Trong phát biểu ngày 25-12 về chính sách mới trong ứng phó dịch Covid-19, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã khẳng định quyết tâm của Bắc Kinh trong việc tạo điều kiện hơn nữa cho đi lại giữa nước này với các quốc gia khác, đồng thời bảo đảm chuỗi cung ứng và sản xuất công nghiệp ổn định, thông suốt, qua đó thúc đẩy các động lực mới cho sự phát triển trên toàn cầu. Trước đó, Ủy ban Các vấn đề tài chính và kinh tế trung ương Trung Quốc cũng nhấn mạnh, nền kinh tế nước này sẽ đi theo một biểu đồ tăng trưởng độc lập, phục hồi toàn diện trong năm 2023.
Với quyết tâm cao độ và những biện pháp quyết liệt nhằm tăng cường sự chủ động và nguồn lực trong việc kiểm soát dịch bệnh, Trung Quốc có nhiều cơ hội trong nỗ lực bảo đảm tiến trình phục hồi kinh tế; qua đó, tiếp tục thể hiện vị thế của một siêu cường kinh tế, tiếp tục là một trụ đỡ tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.