Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục xấu đi nghiêm trọng sau vụ tấn công khủng bố tại thung lũng Baisaran, thuộc khu vực Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Điểm nóng bùng phát, nguy cơ về một cuộc chiến toàn diện giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang khiến thế giới "đứng ngồi không yên".
Trong một diễn biến mới, Ấn Độ đã phát đi thông báo về việc đóng cửa không phận của nước này đối với tất cả máy bay do Pakistan đăng ký, khai thác hoặc thuê, bao gồm các hãng hàng không thương mại và các chuyến bay quân sự. Thời gian cấm kéo dài ít nhất là tới ngày 23-5. Theo giới quan sát, việc đóng cửa không phận này là một sự leo thang đáng kể trong bối cảnh căng thẳng Ấn Độ - Pakistan gia tăng sau vụ tấn công khủng bố ở Pahalgam, khu vực Kashmir, khiến 26 người thiệt mạng.
Bên cạnh lệnh cấm, Ấn Độ cũng cáo buộc quân đội Pakistan trong đêm 1 và 2-5 (giờ địa phương) đã sử dụng vũ khí nhỏ bắn vô cớ từ các đồn trên Đường kiểm soát (LoC) đối diện các khu vực Kupwara, Baramulla, Poonch, Naushera và Akhnoor. “Quân đội Ấn Độ phản ứng một cách hiệu chỉnh và tương xứng", thông cáo của New Delhi cho biết. Thực tế, từ ngày 24-4, các cuộc giao tranh nhỏ đã xảy ra dọc theo LoC. Cả hai bên tăng cường hoạt động quân sự, với việc triển khai pháo binh hạng nặng và máy bay chiến đấu gần khu vực tranh chấp.
Những diễn biến mới được xem là hành động “đổ dầu vào lửa” đối với mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng vốn đã "cơm không lành, canh không ngọt" suốt 7 thập kỷ qua. Tuy nhiên, tình hình gần đây bất ngờ nóng lên nhanh chóng sau khi 5 tay súng (ngày 22-4) tấn công vào khu vực thung lũng Baisaran gần Pahalgam, thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến 28 du khách, chủ yếu là người Hindu thiệt mạng và 20 người khác bị thương. Ngay sau sự việc, Ấn Độ cáo buộc Pakistan hỗ trợ các nhóm khủng bố, đồng thời tăng cường các chiến dịch chống khủng bố tại Kashmir, bắt giữ hàng trăm người và phá hủy nhà của các nghi phạm.
Ở cấp độ cao hơn, New Delhi đã trục xuất các nhà ngoại giao Pakistan, đình chỉ cấp thị thực cho công dân Pakistan và đóng cửa biên giới. Đỉnh điểm của các phản ứng là việc Ấn Độ đình chỉ Hiệp ước Nước sông Ấn (Indus Waters Treaty) năm 1960 - thỏa thuận chia sẻ nguồn nước quan trọng giữa hai quốc gia. Động thái này bị Pakistan coi là hành động chiến tranh.
Về phần mình, Pakistan phủ nhận các cáo buộc của nước láng giềng, đồng thời đình chỉ Hiệp định Simla năm 1972, đóng cửa không phận và biên giới với Ấn Độ, trục xuất các nhà ngoại giao Ấn Độ và cắt đứt thương mại song phương. Lo ngại về một cuộc tấn công từ Ấn Độ, Pakistan cũng đóng cửa hơn 1.000 trường học tôn giáo. Theo các kênh tin tức quốc tế, tâm lý căng thẳng lan rộng ở nước này, nhiều người dân đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất với việc bắt đầu xây dựng hầm trú ẩn. Lãnh đạo Pakistan thề bảo vệ chủ quyền của đất nước và khẳng định sẽ phản ứng mạnh mẽ với “bất kỳ sự xâm lược nào”, trong đó nhấn mạnh sự đoàn kết dân tộc đằng sau các lực lượng vũ trang.
Căng thẳng ngày càng leo thang giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân đang khiến cộng đồng quốc tế "đứng ngồi không yên". Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi giảm căng thẳng và đề nghị Ấn Độ, Pakistan quay lại đàm phán. Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Iran… đều lên tiếng kêu gọi hai bên đối thoại và tìm giải pháp hòa bình. Trả lời truyền thông Mỹ ngày 2-5 (giờ Việt Nam), Phó Tổng thống Mỹ JD Vance kêu gọi Ấn Độ phản ứng với cuộc tấn công khủng bố tại Baisaran theo cách không dẫn đến một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn.
Quốc tế lo lắng về những động thái nêu trên là có cơ sở, bởi cả Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân, do vậy bất kỳ xung đột nào cũng tiềm ẩn nguy cơ thảm họa. Các hành động trả đũa và tuyên bố cứng rắn từ cả hai phía đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn. Và việc xảy ra một cuộc chiến toàn diện giữa hai bên hoàn toàn có thể xảy ra. Mâu thuẫn kéo dài cũng cho thấy tìm ra một “liều thuốc” hóa giải căng thẳng là thách thức.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan không chỉ là vấn đề khu vực, mà còn là thách thức toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn, hai nước cần ưu tiên thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, hướng đến một mục tiêu chung là duy trì quan hệ hợp tác song phương, đóng góp tích cực vào nỗ lực hòa bình, ổn định ở khu vực và toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.