(HNM) - Bất chấp những cảnh báo của giới chính khách Châu Âu và đồng minh Mỹ, trong bài phát biểu về tương lai của nước Anh (23-1), Thủ tướng David Cameron vẫn tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về số phận thành viên của nước Anh trong Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 2017 nếu như đảng Bảo thủ của ông tái đắc cử vào năm 2015 và EU không thay đổi các hiệp ước mà ông cho là thu hẹp vị thế quốc gia và "lợi ích cốt lõi" của Anh ở Cựu lục địa. Khẳng định này cũng một lần nữa được ông chủ số 10 phố Downing nhắc lại tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa kết thúc hôm qua (26-1) tại Davos (Thụy Sĩ).
Nước Anh đang phân vân giữa việc ở lại hoặc rời bỏ EU. |
Theo các nhà phân tích, những đòi hỏi cải cách EU của chính quyền London sẽ là chủ đề bàn cãi nảy lửa và gây chia rẽ sâu sắc trong các cuộc họp của EU sắp tới. Trên thực tế, dù là thành viên EU từ năm 1973 nhưng Anh không gia nhập Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Không những vậy, xứ sở Sương mù còn nhận được sự miễn trừ thực hiện các quy định của EU trong rất nhiều lĩnh vực, từ cảnh sát, tư pháp cho đến thuế khóa và việc đi lại tự do của công dân Châu Âu. Yêu cầu mở rộng những ưu tiên vốn nhận được từ EU của Anh được cho là sẽ vấp phải những phản ứng khác nhau của 26 thành viên còn lại và khả năng tiến trình tái đàm phán sẽ chẳng đi tới đâu. Quan trọng hơn là Anh sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho mọi thành viên EU. Quá trình rà soát lại toàn bộ hệ thống các quy định của EU, rồi sau đó sửa đổi sao cho chúng đem lại cho Anh nhiều quyền lợi nhất có thể phá vỡ tính nhất quán, để lại cho EU một tập hợp các quy định lỏng lẻo và thiếu công bằng. Việc sửa đổi sẽ đem lại cho nước Anh thêm nhiều lợi ích, nhưng nếu vậy, về lâu về dài, EU có nguy cơ tan rã do sự sụp đổ của bộ quy định khung.
Dư luận cho rằng, quyết định của Thủ tướng D.Cameron là nhằm làm hài lòng phe chống EU đang tăng mạnh trong đảng Bảo thủ và đa số dân Anh đang tỏ thái độ muốn rời khỏi EU vì lo ngại cho nền kinh tế và sự ổn định của đất nước sẽ phải chịu tác động trực tiếp lớn hơn nữa từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Eurozone. Tuy nhiên, với những toan tính chính trị trước thềm bầu cử năm 2015, dường như ông D.Cameron đang dấn thân vào một ván bài mạo hiểm. Vì thay đổi mối quan hệ Anh - EU có thể xoa dịu những người theo chủ nghĩa bài Châu Âu và một số thành viên của đảng Bảo thủ. Bên cạnh đó, cuộc tranh luận xung quanh vấn đề này có thể khiến người Anh xao lãng những âu lo như tăng trưởng kinh tế âm và thiếu hụt việc làm, thất nghiệp tăng... Nhưng ý kiến của người dân sẽ thay đổi liên tục là có thể; và một quyết định mang tính sống còn như rời khỏi EU của một quốc gia không thể chỉ dựa vào những mong muốn nhất thời.
Trong khi đó, kế hoạch trưng cầu dân ý về tương lai của Anh trong EU sẽ ảnh hưởng tới triển vọng ngoại giao của Anh nếu nước này phải xa rời các đồng minh tại Cựu lục địa. Thứ nhất, giới lãnh đạo Anh sẽ đối diện với nguy cơ bị cô lập tại các diễn đàn khu vực trong thời gian tới. Thứ hai là phản ứng của Mỹ, một đồng minh gần gũi của Anh, vốn luôn muốn nước này tiếp tục ở lại EU và giữ một tiếng nói mạnh mẽ trong khối. Washington thậm chí còn tuyên bố, việc Anh rút khỏi EU có thể gây tổn hại tới mối quan hệ song phương.
Ngoài ra, quyết định của ông D.Cameron có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước, và các doanh nghiệp nước ngoài vào Anh khiến nền kinh tế xứ Sương mù thêm bấp bênh. Hệ lụy này nếu xảy ra sẽ gây hậu quả và chắc chắn ông D.Cameron phải gánh chịu trong cuộc tuyển cử năm 2015. Do vậy, nhiều nhà bình luận cho rằng, Thủ tướng D.Cameron đang chơi một ván bài đầy may rủi không chỉ với vị thế chính trị của chính mình mà còn với cả nước Anh lẫn EU nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.