Có 6 triệu trẻ em thiệt mạng trên toàn thế giới trong năm 2017 do những nguyên nhân có thể ngăn chặn được, giảm khoảng 50% so với số liệu năm 2000, thời điểm các quốc gia bắt đầu áp dụng Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc hướng tới xóa bỏ đói nghèo.
Đây là công bố ngày 18-9 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Theo thống kê của UNICEF, có 6,3 triệu trẻ em tử vong trong năm 2017 do các bệnh có thể ngăn chặn được, tương đương mỗi 5 giây có 1 trẻ em thiệt mạng.
Con số này giảm mạnh so với năm 2000, thời điểm có 11,2 triệu trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do các bệnh ngăn ngừa được, thiếu nước sạch và dinh dưỡng. Phần lớn các trường hợp tử vong trong năm 2017, khoảng 5,4 triệu em, là trẻ em dưới 5 tuổi.
Ngoài ra, trẻ em sinh ra tại khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi và Nam Á có nguy cơ tử vong cao gấp 9 lần so với trẻ em ở các nước phát triển.
Con số này ghi nhận cải thiện lớn so với năm 1990, khi 12,6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu tử vong do các bệnh có thuốc chữa.
Ông Laurence Chandy, Giám đốc phụ trách nghiên cứu và dữ liệu của UNICEF cho biết, quốc tế đã đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận trong nỗ lực chăm sóc và cứu giúp trẻ em kể từ năm 1990, tuy nhiên vẫn còn hàng triệu trẻ em trên thế giới tử vong do sinh ra tại những khu vực điều kiện kém.
Theo chuyên gia này, tình trạng này có thể được cải thiện đáng kể với các giải pháp đơn giản như đảm bảo cung cấp thuốc men, nước sạch, nguồn điện và vaccine.
Năm 2015, Liên hợp quốc đã thay thế các MDG bằng 17 mục tiêu phát triển bền vững, đặt thời hạn 2030 để các nước hoàn tất xóa bỏ đói nghèo, bất bình đẳng và các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác, cùng với thúc đẩy những sáng kiến như năng lượng bền vững.
Tuy nhiên, vào năm ngoái, Liên hợp quốc cho biết các mục tiêu này hiện đạt được rất ít tiến triển, chủ yếu do bạo lực và chiến tranh tiếp diễn tại nhiều nơi trên toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.