Ngày 17-12, trong nỗ lực cấp bách nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, Đại sứ quán Australia tại Hà Nội và Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF) đã cung ứng 490.600 liều vắc xin DTP-HepB-HiB (5 trong 1) cho Việt Nam, đặc biệt sử dụng cho những nhóm dễ bị tổn thương.
Vắc xin 5 trong 1 giúp bảo vệ chống lại bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và vi khuẩn Hib tuýp b (Hib). Mặc dù Việt Nam có thể sản xuất nhiều loại vắc xin trong nước, nhưng vắc xin 5 trong 1 có tác dụng bảo vệ, chống lại 5 căn bệnh hiểm nghèo chỉ bằng một mũi duy nhất cho một lần tiêm, an toàn và thuận tiện, cần phải mua từ các nhà cung cấp quốc tế.
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 114.000 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm bất kỳ liều vắc xin bạch hầu, ho gà và uốn ván nào trong năm 2022 và khoảng 440.000 trẻ em sinh vào đầu năm 2023 vẫn chưa được tiêm bất kỳ liều vắc xin thiết yếu nào do tình trạng thiếu hụt loại vắc xin này trong tiêm chủng mở rộng thời gian gần đây.
Trẻ em không được tiêm chủng có nguy cơ cao hơn bị tử vong hoặc mắc các bệnh nặng. Và khi có nhiều trẻ em chưa được tiêm chủng có thể dẫn đến bùng phát các bệnh. Đây là những nguy cơ đe dọa các thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em trong vài thập kỷ qua.
Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski cho biết: “Australia rất tự hào được hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam và UNICEF giúp đưa ra giải pháp trước mắt nhằm giải quyết khó khăn hiện nay về nguồn cung vắc xin ở Việt Nam. Sự hỗ trợ này được xây dựng dựa trên sự hợp tác giữa Australia với Việt Nam trong việc ứng phó thành công đại dịch Covid-19 trong những năm qua”.
Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, bà Rana Flowers nhận xét: “Sự hợp tác của UNICEF với Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia đang mang đến cơ hội cứu sống nhiều trẻ em đã bỏ lỡ tiêm vắc xin hoặc chưa bao giờ được tiêm chủng. Sự đóng góp này có tác động tích cực ngay lập tức đến số lượng lớn trẻ em đáng lẽ phải được tiêm vắc xin từ nhiều tháng trước...".
Bà Rana khẳng định: UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam để đảm bảo rằng mọi trẻ em ở mọi nơi trên đất nước đều được tiêm chủng thường xuyên, đồng thời khôi phục và cải thiện hơn nữa các dịch vụ tiêm chủng như trước khi có đại dịch. Để vắc xin đến với mọi trẻ em thì các chiến dịch tiêm bù cho các đối tượng mục tiêu cần phải được triển khai ngay lập tức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.