Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trọn niềm tin Bắc - Nam một nhà

Mai Hữu| 08/10/2020 06:29

(HNM) - Không chỉ riêng tại Hà Nội, sự kiện kết nghĩa giữa ba thành phố: Hà Nội - Huế - Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày 8-10-1960 đã “bay về phương Nam”, nơi đồng bào, chiến sĩ một lòng hướng về Thủ đô, với niềm tin sắt son về ngày thống nhất đất nước, Bắc - Nam một nhà. Những xúc cảm đó đã được Báo Thủ đô Hà Nội (nay là Báo Hànộimới) phản ánh rõ nét trên những trang báo cách đây 60 năm…

Hiệu sách Hà Nội - Huế - Sài Gòn, biểu tượng của sự kết nghĩa những năm 1960 giữa ba thành phố. Ảnh tư liệu

Một lòng hướng về Thủ đô thân yêu

Báo Thủ đô Hà Nội số ra ngày 8-10-1960 có bài viết “Quê hương xứ Huế của mình”, tác giả Trần Thanh Địch cho biết: “Tấm lòng của những bà mẹ Huế, hoặc có con đẻ, hoặc có con nuôi, đã từ lâu nay vẫn đợi đến ngày chúng nó ở Thủ đô Hà Nội trở về. Đối với bà, thì con bà có đang ở Vĩnh Linh, đang ở Thanh Hóa, đang ở tại khu tự trị Thái - Mèo, đang ở ngoài hải đảo hẻo lánh hay đang ở Liên Xô, Trung Quốc… nó cũng là “đang ở ngoài Thủ đô Hà Nội”! Đối với bà thì chỉ cần con bà không ở tại miền Nam, thế là nó đã ở ngoài Hà Nội, Thủ đô”… “Đây không phải là vấn đề không hiểu về địa lý. Đây là vấn đề tình cảm - thực sự là một khía cạnh tình cảm về chuyện thống nhất đất nước quê hương. Đối với bà, miền Bắc là Thủ đô Hà Nội - miền Bắc với con bà hay với Thủ đô Hà Nội cũng chỉ là một”, bài viết nhấn mạnh.

Trong buổi lễ kết nghĩa ba thành phố diễn ra tối 8-10-1960 tại Câu lạc bộ Ba Đình, Hà Nội (nay thuộc khuôn viên Nhà Quốc hội), được Báo Thủ đô Hà Nội tường thuật trên số báo ngày 9-10-1960, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Hộ khẳng định: “Chúng tôi cũng tin chắc rằng đồng bào Huế, Sài Gòn - Chợ Lớn sẽ phấn khởi vui mừng khi được tin Hà Nội - Huế - Sài Gòn làm lễ kết nghĩa. Đồng bào càng ra sức đấu tranh chống âm mưu gây chiến và chia cắt lâu dài nước ta của Mỹ - Diệm, bảo vệ thành quả lao động sáng tạo của Thủ đô Hà Nội và miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến lên đánh đổ Mỹ - Diệm, giải phóng miền Nam và Sài Gòn để thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc chúng ta…”.

Bài viết “Lửa đốt lòng tuổi trẻ Sài Gòn” đăng trên Báo Thủ đô Hà Nội số ra ngày 22-10-1960, tác giả Vương Thanh Bội nói lên dòng cảm xúc: “Hôm nay, nghe tin Hà Nội - Sài Gòn kết nghĩa, lòng tôi nao nao, một cảm giác vui lạ. Vui về tình gắn bó Bắc - Nam càng thêm đậm đà, nồng mặn. Nhưng tôi cũng không khỏi đau buồn, uất hận khi nghĩ đến Sài Gòn, nhớ đến những bạn học sinh, sinh viên của chúng ta, những người trẻ tuổi đáng lẽ phải được sống trong cảnh thênh thang rộng mở của cuộc đời thì trái lại cuộc sống của họ đang bị hủy hoại trong đau thương và nước mắt. Tôi càng thấm thía thêm về ý nghĩa của cuộc kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn”.

“Giờ đây, hướng về Thủ đô thân yêu, tràn ngập lòng mến thương thắm thiết của các anh, các chị, của đồng bào Hà Nội trong tình kết nghĩa huynh đệ, lòng người học sinh Sài Gòn chắc chắn sẽ ánh lên những tia sáng mới của niềm tin vô bờ, một niềm tin của tình nghĩa ruột thịt. Và đó là một nguồn sức mạnh cổ vũ, tiếp sức cho cuộc tranh đấu của Sài Gòn, của miền Nam anh dũng giành thắng lợi ngày mai”, tác giả viết.

Tin tưởng về ngày thống nhất đất nước

Trong bài “Hà Nội - Sài Gòn chung một niềm tin” trên Báo Thủ đô Hà Nội số ra ngày 14-10-1960, Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh hồ hởi chia sẻ: “Hà Nội - Sài Gòn chung một niềm tin. Tôi hình dung trước thấy Sài Gòn ngày mai tươi sáng với một sức sống mãnh liệt. Gói ghém bên trong nguồn tin tưởng vô bờ vào ngày Bắc - Nam thống nhất, hình dung thấy con đường Hà Nội - Sài Gòn thân thuộc mến yêu chẳng bao lâu nữa sẽ được nối liền để đưa những người con Sài Gòn về Sài Gòn xây dựng cuộc sống mới”.

Trong bài “Truyền thống anh dũng của Sài Gòn” đăng trên Báo Thủ đô Hà Nội số ra ngày 19-10-1960, bằng việc điểm lại những phong trào cách mạng, truyền thống anh dũng yêu nước của “Thành đồng Tổ quốc”, cùng với sự kiện kết nghĩa giữa ba thành phố, Giáo sư Trần Văn Giàu khẳng định: “Sài Gòn, đầu não quân sự, kinh tế và chính trị của địch mà cũng là một đặc khu kháng chiến anh dũng của ta, chính vì lòng dân Sài Gòn bao giờ cũng trung thành với Tổ quốc, bao giờ cũng sáng suốt đánh tan mọi âm mưu chính trị của kẻ xâm lăng”.

Giáo sư Trần Văn Giàu cũng nhấn mạnh trong bài báo: “Truyền thống tốt đẹp và anh dũng sẵn có hàng thế kỷ đó, Sài Gòn ngày nay đang phát huy đến một mức độ cao hơn để chiến thắng chế độ độc tài Mỹ - Diệm, để góp sức hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trên toàn cõi Việt Nam”.

“Hà Nội - Huế - Sài Gòn kết nghĩa. Tin đó đã lan về đến Sài Gòn rồi, đặt vào giữa tim của mọi người một đóa hoa thơm ngào ngạt... Nơi làm được biết bao nhiêu sự việc vĩ đại ấy thì cũng là nơi đang đứng lên làm được nhiều sự việc anh hùng, giải phóng lấy cuộc sống của mình, giải phóng lấy thành phố mang tên vàng son ba chữ: Hồ Chí Minh. Chắc chắn việc này sẽ làm được, vì những người Sài Gòn đã nói thì không có việc gì không làm”, bài viết “Sài Gòn thân thuộc, Sài Gòn anh hùng” của tác giả Vĩnh Hội đăng trên Báo Thủ đô Hà Nội số ra ngày 28-10-1960 cho hay.

… Không thể kể hết những tấm lòng của người dân Hà Nội với người Huế, Sài Gòn cũng như tấm lòng người Sài Gòn, Huế với Thủ đô trong thời gian kết nghĩa. Phát huy truyền thống, từ trước đến nay, ba thành phố đã gắn bó keo sơn, khăng khít, qua lễ kết nghĩa lại càng thắm thiết hơn. Lịch sử đã chứng minh, Hà Nội - Huế - Sài Gòn là đầu tàu cho cả đất nước, cùng nhau kiên cường, bất khuất đấu tranh vì độc lập, tự do, nối liền một dải non sông vẹn toàn. Đó là điểm tựa để ba thành phố tiếp tục đoàn kết, cùng nhau đẩy mạnh đổi mới sáng tạo làm đầu tàu đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trọn niềm tin Bắc - Nam một nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.