Theo dõi Báo Hànộimới trên

”Trói tay” cơ quan chức năng

Bách Sen| 01/11/2014 06:30

(HNM) - Tình hình nghiện ma túy, công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện của Chính phủ đang được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.



Theo báo cáo của Chính phủ vừa hoàn thành cách đây ít ngày, tính đến cuối tháng 9-2014, cả nước có 204.377 người nghiện ma túy - tăng gần 4 lần kể từ năm 1994 đến nay. Tính ra, trung bình mỗi năm Việt Nam tăng khoảng 7.000 người nghiện ma túy, gồm mọi thành phần trong xã hội.

Trong khi đó, một vấn đề ai cũng thừa nhận, đó là công tác quản lý quá cứng nhắc. Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ tháng 1-2014 và các văn bản hướng dẫn quy định những trường hợp cai nghiện từ đủ 18 tuổi phải đưa ra tòa xem xét ra quyết định đưa vào cai nghiện tập trung. Song chúng ta chuẩn bị cho sự chuyển tiếp này chưa kịp thời. Quy trình hiện nay gồm: Phải xác định đối tượng đó nghiện ma túy, có chứng nhận của bác sĩ, có biên bản đã giáo dục tại cộng đồng dân cư từ 3 đến 6 tháng. Rồi sau đó, khi phường, xã lập hồ sơ xong, phải chuyển cho người nghiện nghiên cứu trong 5 ngày. Tiếp đến, hồ sơ được chuyển tới phòng tư pháp của quận, huyện rồi tới tòa. Tòa tổ chức họp phải có người nghiện, gia đình người nghiện và luật sư nếu gia đình người nghiện có nhu cầu mời, thì mới được ra quyết định. Tuy nhiên thực tế tại các thành phố lớn, hầu hết người nghiện thường từ các tỉnh khác về (hiện nay tập trung đông nhất là tại TP Hồ Chí Minh), lại không có địa chỉ rõ ràng hoặc vô gia cư nên việc quản lý nhân thân, mời trình diện vô cùng khó khăn dẫn đến việc đưa vào trại cai nghiện tập trung bị tắc nhiều khâu. Tại Hà Nội, tính đến tháng 9-2014, do vướng Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, TAND ở Hà Nội chưa ra được quyết định cai nghiện bắt buộc nào.

Qua phản ánh còn cho thấy, quy định thời gian cai nghiện bắt buộc do tòa xử là từ 12 đến 24 tháng. Nhưng chưa có văn bản hướng dẫn đối tượng nào áp dụng 12 tháng, đối tượng nào áp dụng 24 tháng. Thêm nữa, theo quy định, người nghiện phải khai báo với phường, xã và đăng ký hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hay đi cai tự nguyện nhưng lại không có chế tài ràng buộc khiến việc quản lý khó khăn. Hậu quả là tội phạm liên quan đến ma túy chưa có dấu hiệu giảm, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Rất nhiều đối tượng để có tiền hút chích, có thể làm bất cứ việc gì, kể cả bán dâm, trộm, cướp giật… Bi kịch hơn, khi bị ảo giác, người nghiện có thể giết người.

Vấn đề đặt ra là các cơ quan tham mưu cần sớm đề xuất sửa đổi các quy định cho phù hợp với tình hình. Thiết nghĩ, nên xem người nghiện ma túy là người khiếm khuyết về nhân cách, mắc một bệnh đặc biệt và cần được cai nghiện tập trung để cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý với thủ tục đơn giản. Làm được việc này, một mặt cách ly người nghiện, vừa giúp bảo vệ hạnh phúc, kinh tế cho chính gia đình họ. Đồng thời, nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội do người nghiện gây ra sẽ giảm xuống, môi trường sống sẽ an toàn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
”Trói tay” cơ quan chức năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.