Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Minh Ngọc| 29/08/2020 07:25

(HNM) - Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cần được hỗ trợ về nhiều mặt để vươn lên. Vì thế, các cơ quan chức năng đã đưa dịch vụ công tác xã hội đến với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bằng nhiều cách thức khác nhau. Để tìm hiểu rõ hơn về các dịch vụ trợ giúp cho trẻ, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội).

Cán bộ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội tư vấn cho một trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (ảnh chụp đầu tháng 7-2020). 

- Xin bà cho biết, trong hoàn cảnh nào, trẻ em sẽ được trợ giúp từ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội?

- Chúng tôi cung cấp các dịch vụ trợ giúp miễn phí cho nhiều đối tượng trẻ em. Trong đó, trẻ bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, bị mua, bán, cưỡng bức lao động… là nhóm cần được trợ giúp khẩn cấp. Qua thông tin phản ánh của người dân, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, phương tiện truyền thông và nhiều nguồn tin khác, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp cận, đánh giá nhu cầu, sàng lọc, phân loại đối tượng cần trợ giúp.

Mới đây, chúng tôi trợ giúp một trường hợp trẻ em lang thang xin tiền tại ngã tư đường Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) về hòa nhập cộng đồng tại một xã trên địa bàn huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên). Trường hợp khác là 3 cháu sống cùng bà trong phòng trọ tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) đã phản ánh nhiều trên truyền thông. Thông qua các phương pháp tiếp cận, nhân viên công tác xã hội và đại diện cơ quan chức năng đã làm thủ tục đăng ký tạm trú, khai sinh và đánh giá, xác định tình trạng sức khỏe của từng cháu để có phương án hỗ trợ phù hợp. Theo đó, cháu lớn nhất được đưa về nuôi dưỡng lâu dài tại một trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội; cháu thứ hai sẽ đến trường vào năm học 2020-2021.

Ngoài những trường hợp nêu trên, giai đoạn 2018-2020, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội đã trợ giúp kịp thời cho 1.100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, giúp các cháu từng bước ổn định cuộc sống.

- Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội đã triển khai những hoạt động gì để nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này và giúp trẻ em tránh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, thưa bà?

- Cùng với nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, chúng tôi còn thường xuyên tư vấn, tham vấn cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; phát hành hàng vạn tờ rơi, tờ gấp có nội dung tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tháng 7-2020 vừa qua, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Thanh Oai tổ chức tư vấn cộng đồng cho hơn 200 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện. Qua đó, cán bộ tư vấn, tham vấn cung cấp cho trẻ các kiến thức về quyền, bổn phận của trẻ, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trên môi trường mạng; đề phòng bị mua bán, tai nạn thương tích, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19… Đó cũng là cách để đại diện các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, gia đình, nhà trường kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của trẻ; các vấn đề khó khăn mà trẻ đang gặp phải để có giải pháp phòng ngừa trước những nguy cơ rủi ro.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về trẻ em, các vụ việc xảy ra liên quan đến trẻ qua nhiều kênh khác nhau, từ đó kịp thời đưa ra phương án hỗ trợ (nếu cần).

- Theo bà, các bên liên quan cần triển khai thêm những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt?

- Chúng tôi nhận thấy, nhận thức của một bộ phận người dân, bao gồm cả những người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ về các quyền của trẻ em còn hạn chế, nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn lực đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, ngoài nhu cầu cần được bảo đảm an toàn ở mọi chỗ, mọi nơi, được chăm sóc về y tế, giáo dục, sức khỏe…, đa số trẻ em hiện nay còn mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu, đồng cảm từ người thân và những người xung quanh. Đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, các nhu cầu này càng trở nên bức thiết. Vì thế, tôi mong muốn các ngành, địa phương, gia đình, cộng đồng dành sự quan tâm nhiều hơn đến trẻ em, bổ sung các nguồn lực, mở rộng dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng.

Về phía Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội, mỗi cán bộ, nhân viên, chuyên viên tư vấn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để góp phần nâng cao hiệu quả trợ giúp trẻ em.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.