Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trò chuyện với “họa sỹ ở chùa”

Lê Văn Phương| 25/01/2012 06:09

(HNMCT) - Mấy năm rồi, Phan Cẩm Thượng là “họa sỹ ở chùa” nên dù người được hỏi phủ nhận, tôi vẫn có cảm giác anh đã rời xa thế giới phàm tục này – hiểu theo một nghĩa nào đó.


Cách anh nói chậm rãi, sự từ tốn toát lên từ cử chỉ, dáng vẻ,… tất cả khiến người đối diện có đôi khi chạnh lòng và muốn nhìn lại mình: ta đang lang thang ở đâu trong cõi bao la đất trời… Nghe anh nói chuyện, tôi càng thấy, không có mâu thuẫn bên trong người đàn ông có dáng hình nhỏ bé nhưng quá nhiều năng lượng, chỉ có chúng ta dường như đang quá vội vã trong đời này…


Thưa họa sỹ Phan Cẩm Thượng, câu hỏi đầu tiên dành cho anh vẫn là những dư âm rất đẹp xung quanh cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt”. Có người nói rằng vì đọc cuốn sách ấy, hy vọng người ta có thể ứng xử hợp lẽ hơn với cả quá khứ và tương lai. Cá nhân họa sỹ có tin tưởng vào điều đó không?

Họa sỹ Gauguin có vẽ một bức tranh nhan đề là “Chúng ta là ai, chúng ta từ đâu ra và chúng ta đi về đâu?”. Đây là ba câu hỏi lớn của nhân loại, cũng là của mỗi dân tộc và mỗi người, nếu quan tâm đến cái vô cùng của mình. Cuốn sách của tôi bắt đầu từ những cái rất cụ thể, như người ta ăn mặc ra sao, dùng đồ gốm, đồ tre gỗ như thế nào, lao động bằng những công cụ gì, và từ những cái đó đã tiến đến một nền văn minh như thế nào. Kiểm nghiệm quá khứ thực ra chỉ là rút ra những bài học cho hôm nay và tương lai. Tôi nhận thấy cách sống của người Việt hiện tại có gì đó chưa ổn, tự làm hỏng môi trường sống và môi trường nhân văn của mình một cách trầm trọng. Điều này càng khiến tôi muốn nhìn lại quá khứ xem dân tộc đã từng sinh sống thế nào, có lúc nào đó như bây giờ không. Tôi muốn bạn đọc rút ra từ cuốn sách những vấn đề hiện tại nhiều hơn là thích thú những câu chuyện đã qua.

Khi tiếp cận, ai cũng thấy được những nội dung phong phú mà anh đã đề cập trong cuốn sách. Anh cũng đã nói về thời gian và công sức phải bỏ ra để hoàn thiện đứa con tinh thần của mình. Anh đã đi nhiều, “sống nhiều”, nhưng chính anh lại nói “không mấy ai tự nhận mình là người hạnh phúc, sự không suôn sẻ của đời sống lại giúp cuộc sống đỡ nhàm chán”. Có vẻ như anh đã nhìn cuộc đời bằng con mắt của một người “đắc đạo”?

Tôi không rõ thế nào là đắc đạo. Nhưng tôi muốn sống hiểu biết và hiểu biết cho rõ ngọn nguồn, cũng như làm việc gì thì cố gắng đến nơi đến chốn. Những nghệ sỹ, những nhà khoa học phát minh ra nhiều thứ giúp ích cho đời sống mà mọi người tán đồng, cho rằng cuộc sống của họ là may mắn lắm, đắc ý lắm, nhưng thực ra đôi khi là hoàn toàn ngược lại. Tôi cũng không nằm ngoài cái đó, dù thành tựu của mình vẫn chưa ra sao. Tôi thất bại nhiều mặt trong cuộc sống, nên rút lui vào viết và vẽ là thấy được thanh thản nhất, và khi làm được một vài việc, như vài bức tranh, vài cuốn sách, mới thấy nó thực sự có ý nghĩa.

Anh có nghĩ mình đã “chín sớm” không khi mà trông dung mạo anh, nghe cách nói chuyện của anh, biết về những mối quan tâm của anh,… người ta cứ có cảm giác anh đã xa rời trần thế phàm tục này và “nhập” vào một cõi khác – của riêng anh?

Tôi là người trưởng thành khá sớm, tự nuôi thân mình khi còn là thiếu niên. Nhưng nói tôi xa rời trần thế phàm tục là hoàn toàn sai, tôi là người rất phàm tục, tôi chẳng đi đâu cả, mà sống cụ thể với tất cả vui buồn hàng ngày, ai muốn có cái gì thì tôi cũng muốn có cái đó. Chỉ có điều tôi dành nhiều thời gian sống một mình, viết ra những gì mình đang cần học và đã biết, cũng có thể nói đó là góc riêng của tôi, chứ bảo đó là một cõi khác thì to tát quá. Tôi rất yêu môn lịch sử và nghệ thuật, và có thể đọc ở đấy nhiều điều qua những tác phẩm tranh tượng, những hiện vật khảo cổ, tất nhiên tôi tự tìm hiểu mà đọc chúng, chứ không phụ thuộc vào ý kiến của nhà nghiên cứu nào.

“Văn minh vật chất của người Việt” có phải là công trình lớn nhất – để đời của anh không? Sau cuốn sách này anh sẽ làm gì?


-Tôi cũng có vài cuốn sách đã xuất bản, không biết có thú vị hay kém hơn cuốn Văn minh vật chất của người Việt này không. Nhưng có thể nói cuốn sách này là theo đuổi kiên trì của tôi trong vòng 20 năm qua, và nó buộc tôi phải tìm hiểu rất nhiều lĩnh vực mà tôi không hề biết. Văn minh Việt Nam, từ thời Đông Sơn đến nay ít nhất có hơn 2500 năm từ săn bắn, hái lượm đến làm nông nghiệp có biết bao điều đáng nói, đáng tổng kết, do không thấy ai làm, mà hầu hết các công trình nghiên cứu văn hóa đều sa vào lịch sử, chính trị, tôn giáo… không ai nhìn nhận cái cầy, cái cuốc, giống lúa có giá trị thế nào với cuộc sống của người Việt, nên tôi đi theo hướng đó. Tôi cũng còn nhiều ý định, và vài bản thảo dở dang, nếu có điều kiện sẽ thực hiện nốt.

Bây giờ nhiều người gọi anh là “họa sỹ ở chùa”. Chùa Bút Tháp với anh hẳn không đơn giản là chốn nương thân, có thể nó còn mang đến cho anh nhiều cảm hứng sáng tác, hay anh tìm thấy ở nơi này thứ gì còn “cao siêu” hơn thế?

Tôi không đến chùa đi tu, hay tìm nơi lánh đời. Thực ra có hơn 5 năm liền tôi sống ở chùa Bút Tháp, còn đi vòng quanh nhiều đền chùa khác trong vòng hơn 40 năm qua. Tôi đi nghiên cứu thôi, muốn tìm hiểu ở đó cái quá khứ đẹp đẽ của dân tộc, nếu làm được gì để gìn giữ thì nên làm. Ngôi chùa phản ánh mọi mâu thuẫn cuộc sống bên ngoài, nên ai sống ở đó thì biết, không hề thanh tịnh như người ta tưởng tượng, và cũng chẳng có gì cao siêu cả. Nhưng đây là nơi có thể giúp người ta giác ngộ.

Nói trước về tương lai là công việc vô cùng võ đoán, nhưng anh thử hình dung khoảng mươi năm nữa, Phan Cẩm Thượng sẽ như thế nào?


Mỗi cuốn sách nhanh thì mất ba năm, bình thường thì mất năm năm mới hoàn thành. Mười năm tới không có gì khó đoán, tôi sẽ già đi mười tuổi và giỏi lắm thì làm được hai cuốn sách nữa. Tất nhiên, trong vòng mười năm tới đối với tôi sẽ rất nhiều chuyện buồn, tôi là con út của một gia đình đông anh em, các anh chị của tôi đã ngoài 70 cả, cho nên nhiều khi tôi không muốn sống quá lâu.

Xin anh cho biết những cảm thức, ấn tượng sâu sắc nhất của anh về ngày Tết cổ truyền của dân tộc? Với bản thân anh, Tết của thời hiện đại có còn mang nhiều ý nghĩa như những năm xưa hay không?


Hồi nhỏ ai cũng thích Tết, nhưng khi lớn lên, có người thích người không, dù sao cũng là dịp vui đầu năm của mọi người. Tôi tết nào cũng vậy, làm xong vài trách nhiệm ở nhà là chui vào một chỗ, không gặp ai, thi thoảng cũng vẽ được rất nhiều trong dịp tết. Nếu gọi là có kỷ niệm thì tôi ấn tượng và rất thích cái tết ở miền núi, họ thường làm những cái đu rất cao, trai gái đánh đu anh nhún chị co, nom rất ngoạn mục.

Tết này, Phan Cẩm Thượng sẽ ăn tết ở đâu? Có điều gì khác biệt giữa cái tết của một họa sỹ - nhà phê bình mỹ thuật với cái tết của nhân gian?

Tôi loanh quanh vài vùng nông thôn thôi, chẳng có gì khác với dân gian. Trước đây tôi hay đi hội làng mùa xuân, có khi đi hết cả ba tháng, nhưng bây giờ không còn hứng thú đó nữa. Tôi sẽ ăn tết ở Bút Tháp và Hà Nội.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trò chuyện với “họa sỹ ở chùa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.