Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Triệu dấu chân qua những cửa ô''

Vân Hạ| 08/10/2022 08:39

(HNMO) - Dù đã có hơn 10 đầu sách viết về Hà Nội nhưng đề tài về mảnh đất này chưa bao giờ vơi bớt trong Nguyễn Trương Quý. Tối 7-10, “Triệu dấu chân qua những cửa ô” - tác phẩm thứ 12 của Nguyễn Trương Quý đã ra mắt độc giả tại Hà Nội.

Nơi nào cũng thế, mỗi địa phương được “đánh dấu” bằng cổng chào, bằng cột mốc số 0, riêng “định vị” trong tinh thần sẽ bằng những chi tiết thân quen, thường nhật của đời sống địa phương ấy. Hà Nội “định vị” trong Nguyễn Trương Quý bằng một màu ngói cũ, một ánh đèn đường xanh biếc gợi kỷ niệm thanh xuân, một chút huyền thoại thần tiên phủ lên những di tích và những cửa ô đã mòn dấu triệu bước chân đi về.

Trong khoảng một trăm năm qua, người Hà Nội đã đi trên những phương tiện gì, đã qua những con phố, ngã tư, quảng trường nào, đã chọn những điểm đến ở đâu, tâm tình của họ trên những hành trình ấy là gì, và tất cả những điều ấy biến đổi theo chuyển dịch của bánh xe lịch sử ra sao? Đấy là câu chuyện mà Nguyễn Trương Quý muốn kể lại trong cuốn sách.

Nguyễn Trương Quý khảo cứu, kể những cái xưa cũ vẫn là để đề cập đến câu chuyện của hôm nay. Lọc ra trong vô số tư liệu xưa để tìm các chi tiết, rồi từ đó xâu chuỗi thành điểm nhìn mới mẻ là cách Nguyễn Trương Quý làm nên cuốn sách của mình. Khi tìm hiểu những không gian, sự vật, sự kiện, nhân vật trong câu chuyện đi lại này, Nguyễn Trương Quý luôn đào sâu xuống dưới những mô tả bề mặt, những con số khô khan, để đưa ra những nhận xét, phán đoán sâu sắc, thú vị hoặc gây bất ngờ.

Khảo cứu một cách nghiêm túc, công phu và cần mẫn, những chi tiết, con số tưởng như khô khan rời rạc ấy lại được tác giả đặt trong lối viết hóm hỉnh và đầy chất văn khiến cuốn sách nhẹ nhàng, hấp dẫn với cả các độc giả phổ thông. Đó có lẽ là lý do mà các đầu sách về Hà Nội của Nguyễn Trương Quý từ nhiều năm nay vẫn rất “ăn khách”. 

Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng, “có những thứ đã biến mất hoặc khuất dạng trong văn hóa giao thông thường nhật mà vẫn đủ sức kéo dài hình tượng mấy chục năm sau, chẳng hạn tàu điện trên mặt đất hay tàu thủy trên sông Hồng. Có những thứ đang là phương tiện chủ lực nhưng dường như số phận của chúng trên những con đường nội thành chỉ tính bằng năm, như xe máy. Có những thứ từng là tập quán tưởng như ăn sâu vào tâm thức cộng đồng như nghĩa trang, vậy mà đến lúc phải thay đổi nghi thức”. Bởi thế, với anh, “viết về sự hiện diện của chúng có lẽ cũng là ghi lại sự hiện diện của chính chúng ta, với đủ vui buồn”.

Cuốn sách “Triệu dấu chân qua những cửa ô” được chia thành 5 chương: “Nhập thành”, “Lên xe xuống bến”, “Hưởng hoa ngoạn thủy”, “Lạc thú và ưu tư”, “Tiếng rền của phố”. Năm chương như một sự tương ứng với ý nghĩa về “huyền thoại” 5 cửa ô (dù Hà Nội thực tế có nhiều cửa ô hơn thế), 5 phương vị, được bố trí cân xứng như hình một ngôi sao năm cánh trên bản đồ.

Mạch khảo cứu của cuốn sách theo cả hai chiều không gian - thời gian, được Nguyễn Trương Quý kết hợp nhuần nhuyễn giữa vị sâu lắng ngậm ngùi pha lẫn nét hài hước ý nhị tạo nên nhịp điệu duyên dáng và đầy chất thơ cho một cuốn sách khảo cứu.

“Triệu dấu chân qua những cửa ô” do Nhã Nam và NXB Phụ nữ Việt Nam liên kết xuất bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Triệu dấu chân qua những cửa ô''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.