(HNM) - Với 1.448/1.818 thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, thành phố Hà Nội đã tạo ra sự đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử, mang lại sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp. Để phát huy kết quả đó, thành phố tiếp tục quan tâm, đề ra những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập.
Dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 đạt 81%
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tích cực thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Ngay sau khi Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ “Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025” được ban hành, cùng với việc đổi mới phương thức phục vụ, Hà Nội tập trung gắn ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính.
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, năm 2019, đã có 121 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở và 18 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp huyện được bãi bỏ; 24 thủ tục hành chính đã được rút ngắn thời gian giải quyết với tổng số 116 ngày làm việc so với quy định; đơn giản hóa 9 điều kiện đầu tư, kinh doanh… Tương tự, Quận ủy Long Biên đã chủ động đẩy mạnh cải cách hành chính, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước thời hạn đạt 99,4%.
Đáng chú ý, năm 2019, UBND thành phố quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đưa tổng số thủ tục hành chính của toàn thành phố còn 1.818 thủ tục (cấp sở là 1.508; cấp huyện là 220; cấp xã là 90).
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ thông tin, tính đến cuối tháng 12-2019, tổng số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 là 1.448/1.818 thủ tục hành chính (đạt 81%). Trong đó có 297 dịch vụ công trực tuyến mức 4, là mức độ dịch vụ công trực tuyến cao nhất hiện nay, cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến và việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện.
Cùng với đó, thái độ, tinh thần, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được giám sát chặt chẽ hơn trước. Anh Bùi Mạnh Hải (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) làm thủ tục đăng ký kết hôn qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho biết: “Chỉ cần nhập các dữ liệu ngay trên điện thoại là có thể hoàn tất hồ sơ, nên tôi thấy rất thuận tiện”.
Những ngày gần đây, do dịch Covid-19 nên tại nhiều bộ phận “một cửa”, lượng công dân giao dịch hành chính giảm. Do đó, các cán bộ, công chức, viên chức có nhiều thời gian hơn để hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bà Trần Thị Châu Loan, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) cho biết: "Nhiều công dân, nhất là lớp trung và cao tuổi chưa nắm rõ quy trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên chúng tôi tập trung hướng dẫn để họ sử dụng thành thạo, từ đó tạo sức lan tỏa đến các thành viên khác trong gia đình và cộng đồng...
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, bất cập
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hà Nội để đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố trong ứng dụng công nghệ thông tin năm 2019, thông qua kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2020 (ngày 12-2-2020), đại diện một số sở, ngành cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, việc xây dựng chính quyền điện tử còn gặp khó khăn, bất cập. Đó là một số nơi còn lúng túng, chưa linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Công tác cải cách thủ tục hành chính chưa được triển khai theo hướng tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, lấy đó làm trung tâm phục vụ. Những thủ tục hành chính hiện bắt buộc phải có chữ ký, con dấu thì chưa được Chính phủ quy định số hóa chữ ký nên vẫn phải chuyển giấy tờ…
Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) Trần Thu Thúy cho hay, UBND phường đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết một số vấn đề như: Nghẽn mạng internet; một số thủ tục hành chính có phần mềm chưa phù hợp với hồ sơ giấy tờ trên thực tiễn; việc đánh giá tiến độ giải quyết hồ sơ ở một số lĩnh vực còn chưa chính xác…
Còn theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ, Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố đã đề ra 26 mục tiêu trong năm 2020. Trong đó, thành phố từng bước phấn đấu hoàn thiện, duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, trong đó tối thiểu 35% dịch vụ công trực tuyến mức 4...
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố nêu rõ, mục tiêu cơ bản năm 2020 của thành phố là tích hợp toàn bộ các thông tin thủ tục hành chính, dịch vụ công vào một cổng thông tin để người dân sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ có những tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, công tác cải cách hành chính và ứng dụng dịch vụ công, nhất là dịch vụ công trực tuyến phải được thực hiện quyết liệt để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch và hỗ trợ người dân thực hiện các giao dịch hành chính…
Với những kết quả và nỗ lực thực hiện, Hà Nội tiếp tục chứng tỏ là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.