(HNMO) - Ngày 16-5, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức 2 đoàn giám sát về việc thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà chủ trì giám sát tại huyện Thạch Thất; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên chủ trì giám sát tại Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Những kết quả đạt được và kiến nghị
Tại huyện Thạch Thất, báo cáo đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, công tác CCHC, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên địa bàn luôn được UBND huyện Thạch Thất xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Huyện không nhận được phản ánh, kiến nghị về thái độ ứng xử không phù hợp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Tuy vậy, còn một số hạn chế, đó là, tỷ lệ hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân thực hiện trực tuyến còn thấp; số người có nguyện vọng gửi, nhận kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích còn ít; kinh phí đầu tư cho công tác CCHC chưa đáp ứng yêu cầu...
Trong khi đó, Sở TT&TT Hà Nội đã chủ động xây dựng quy trình giải quyết; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tham mưu UBND thành phố ban hành các quyết định phê duyệt các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính của Sở và Quyết định phê duyệt các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực TT&TT thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trên địa bàn thành phố. Đến nay, 100% (35/35) thủ tục hành chính thuộc thẩm quyển giải quyết của Sở được thực hiện theo cơ chế "một cửa", trong đó, 33 thủ tục hành chính được đưa lên dịch vụ công mức 3, 4.
Về kết quả thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số phục vụ hoạt động điều hành nội bộ; đến nay, 100% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng. Đặc biệt, từ tháng 6-2019, UBND thành phố chính thức thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử (không gửi giấy) với cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nội bộ giữa các cơ quan nhà nước thành phố, sử dụng hoàn toàn chữ ký số chuyên dùng Chính phủ...
Hiện tại, đơn vị đang triển khai xây dựng đề án “Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở nêu lên một số hạn chế, khó khăn và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn về vị trí việc làm và biên chế công chức chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin, an toàn thông tin tại các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, đặc biệt là tại cấp xã; kiến nghị với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ công chức, viên chức làm công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác CCHC.
Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà ghi nhận kết quả, nỗ lực CCHC của huyện Thạch Thất, đồng thời đề nghị, huyện cần xác định nhiệm vụ CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động là then chốt là khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan thuộc huyện phải chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về kết quả thực hiện CCHC của cơ quan đơn vị mình quản lý và các lĩnh vực CCHC thuộc thẩm quyền cấp huyện, đặc biệt đối với những nội dung thường xuyên bị trừ điểm qua các năm mà không có sự khắc phục, cải thiện.
Đồng chí Phùng Thị Hồng Hà cũng đề nghị, huyện tập trung chỉ đạo tăng cường thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm thời gian, loại bỏ các chi phí không chính thức cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời, rà soát, cắt giảm những thủ tục trung gian không cần thiết trong các quy trình nội bộ (ngoài thủ tục hành chính); thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị về các quy định TTHC, đa dạng hình thức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC; tái kiểm tra việc khắc phục các tồn tại đối với các đơn vị đã được kiểm tra. Duy trì thực hiện tốt các nội dung yêu cầu về xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thuộc huyện. Trong đó, huyện cần bảo đảm tốt 2 nội dung: Về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn lực con người.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên cũng đánh giá cao những kết quả của Sở TT&TT trong thực hiện CCHC, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, đồng thời, yêu cầu Sở đẩy nhanh việc xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đầu việc, đảm bảo tiến độ.
Trưởng đoàn đề nghị Sở TT&TT rà soát lại toàn bộ các thể chế liên quan đến công tác chuyển đổi số, tổng hợp, tham mưu cho thành phố để triển khai tốt hơn về công tác này. Với những kiến nghị của đơn vị, Đoàn sẽ tổng hợp để đưa vào báo cáo chung và xem xét, đưa ra những giải pháp phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.