Chính trị

Bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin để xây dựng chính quyền điện tử

Hương Ly - Ảnh: Quang Thái 01/11/2023 - 10:56

Sáng 1-11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 56-NQ/TƯ ngày 5-3-2020 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cơ yếu, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật thông tin.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; T.S Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ.

t2-dai-bieu-.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các đại biểu tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Hiện nay, tình hình chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh và phức tạp. Các thách thức về chiến tranh thông tin, chiến tranh trên không gian mạng đang hiện hữu và ngày càng quyết liệt, đe dọa an ninh toàn cầu. Trong nước, cùng sự phát triển mạnh mẽ về khoa học và công nghệ, bên cạnh những mặt tích cực, việc lộ lọt thông tin bí mật nhà nước tại một số cơ quan trọng yếu có chiều hướng gia tăng; các thế lực thù địch tăng cường hoạt động, cài cắm, móc nối, mua chuộc với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, nghiêm trọng.

t2-phat-bieu-.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Thủ đô Hà Nội có vị trí, vai trò quan trọng, là “Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước”. Hà Nội cũng là thành phố đông dân với trên 8,3 triệu người, chiếm 8,5% dân số của cả nước; có 30 quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn; nhiều cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn. Đảng bộ Thủ đô cũng là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 50 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy, hơn 47 vạn đảng viên, chiếm khoảng 9% tổng số đảng viên của cả nước.

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 15-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới là: Phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước. Ngày 30-12-2022, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trên, thành phố xác định, trong giai đoạn phát triển Thủ đô hiện nay, công tác bảo đảm, bảo mật, an toàn thông tin ngày càng có vai trò quan trọng và then chốt. Nếu không có bảo mật, an toàn thông tin, sẽ không thể xây dựng chính quyền điện tử, không thể chuyển đổi số và triển khai chính quyền thông minh, đô thị thông minh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng khẳng định, thời gian qua, công tác cơ yếu luôn được Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bảo đảm theo quy định.

Ngay sau khi Nghị quyết số 56-NQ/TƯ ban hành, trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Tuyên giáo Thành ủy, Văn phòng Thành ủy ban hành hướng dẫn để tuyên truyền, nghiên cứu, quán triệt và thực hiện Nghị quyết.

t2-hoc-vien.jpg
Các đại biểu dự hội nghị.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 56-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng các nội dung được học tập, quán triệt, đặc biệt là những chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Bộ Chính trị; việc thực hiện pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực cơ yếu, an toàn, an ninh thông tin, bảo mật thông tin để có những giải pháp phù hợp triển khai thực hiện có hiệu quả tại địa phương, đơn vị trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các nội dung theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy; thường xuyên, kịp thời tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo mật, an toàn thông tin nhất là giảm thiểu nguy cơ về tình hình lộ lọt thông tin bí mật nhà nước.

t2-a-hung-.jpg
Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ Nguyễn Hữu Hùng phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ Nguyễn Hữu Hùng giới thiệu những nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết số 56-NQ/TƯ, các vấn đề an ninh mạng, an toàn thông tin và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cơ yếu, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật thông tin, như: Luật Cơ yếu số 05/2011/QH13; Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước số 29/2018/QH14; Nghị quyết số 27-NQ/CP, ngày 11-8-2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 56-NQ/TƯ; Quyết định số 27-QĐ/TƯ, ngày 10-8-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan Đảng giai đoạn 2021-2025.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin để xây dựng chính quyền điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.