(HNM) - Số liệu trên bảng
Thực ra thì cái bảng xếp hạng nói trên xét cho cùng cũng chỉ như một sự tham khảo, nghe để biết vậy. Thế nhưng, so sánh và gắn nó vào với những vấn đề cụ thể của chúng ta hiện nay thì quả thật đáng ngại, mà gần nhất chính là hệ thống giáo dục, vốn là nền tảng cốt lõi hình thành nên trí tuệ Việt.
Hai ngày trước, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã công bố điểm sàn kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay với những con số cũng không khác các năm trước là mấy, chỉ cần đạt 13-14 điểm là thí sinh đã có thể bước chân vào giảng đường đại học. 13 điểm cho 3 môn thi, tức là có môn đạt điểm dưới trung bình vẫn có thể được chấp nhận. Rõ ràng với một đầu vào như vậy thì đầu ra hẳn đã có thể mường tượng được.
Một thông tin cũng vừa được dư luận nhắc đến là nước ta đang có đội ngũ trên 9.000 giáo sư và phó giáo sư, hàng trăm ngàn tiến sỹ và thạc sỹ nhưng từ năm 2006 đến 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ và đến năm 2011 thì không có bằng sáng chế nào được đăng ký, trong khi đây là chỉ số quan trọng và khách quan được thế giới coi trọng để đánh giá thành tựu khoa học của một quốc gia. Ngay gần bên chúng ta, đất nước Singapore nhỏ bé chỉ với 4,8 triệu dân lại có đến 647 bằng sáng chế được đăng ký.
So với bên ngoài là vậy, còn thực tế trong nước thì sao? Nói chẳng ngoa thì bây giờ cứ ra đường là gặp giáo sư, tiến sỹ, và chúng ta còn đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đào tạo ít nhất 20.000 tiến sỹ. Với một lực lượng vô cùng hùng hậu, từ cử nhân đến thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, thế nhưng khoa học vẫn chưa thể bứt phá, đất nước vẫn chưa thể lớn mạnh. Tức là ở nước ta bằng cấp thì nhiều, học hàm học vị cao, nhưng phải thừa nhận là nhiều người muốn có chứng chỉ để lót đường thăng tiến, còn số người làm khoa học thực sự không nhiều. Vì thế mới tồn tại những bản luận án sao chép, những chuyện học hộ, học thuê và cả những văn bằng, chứng chỉ rởm...
Dĩ nhiên, đặt vấn đề như trên chẳng phải là để bi quan về trí tuệ Việt Nam như cái bảng xếp hạng nói trên. Thực tế, năm nào chúng ta cũng giành được nhiều giải cao ở các kỳ thi khoa học quốc tế đỉnh cao được thế giới vinh danh vì có các nhà khoa học tầm cỡ thế giới như Giáo sư Ngô Bảo Châu… Ngay cả khả năng ứng dụng khoa học của người Việt chắc chắn không thua kém các nước. Vấn đề ở đây là cần một thái độ nghiêm túc, những chính sách quản lý và phát triển, sử dụng trí tuệ, chất xám con người phù hợp cho sự phát triển khoa học nước nhà. Hiện nay, chính cơ chế, chính sách đãi ngộ còn cào bằng, không khuyến khích được các nhà khoa học đóng góp trí tuệ một cách hiệu quả vào sự phát triển của đất nước, thậm chí còn xảy ra hiện tượng "chảy máu" chất xám ra nước ngoài.
Phải khẳng định, chúng ta không thiếu nhân tài, vấn đề là làm sao để nhân tài, trí tuệ ấy cống hiến được nhiều nhất cho sự phát triển của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.