Phát biểu tại Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 15-11 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương Trần Hữu Linh nhấn mạnh, chống hàng giả trên thương mại điện tử là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng quản lý thị trường trong vòng 3-5 năm tới.
Lập 50 fanpage để kinh doanh hàng giả
Ông Trần Hữu Linh đánh giá, thời gian qua, thương mại điện tử phát triển bùng nổ, người dân đã thay đổi phương thức mua sắm từ truyền thống sang online. Số lượng người tham gia bán hàng trên thương mại điện tử tăng mạnh. Đặc biệt, gần đây, mạng xã hội TikTok phát triển mạnh mẽ, ngay cả người dân vùng sâu, vùng xa như ở Hà Giang hay nhiều tỉnh xa xôi khác hằng ngày cũng livestream bán hàng đi cả nước và ngược lại. Tại Việt Nam, 41% dân số mua sắm online, tương đương 49,3 triệu người, cao nhất Đông Nam Á.
Bên cạnh những ưu điểm, đóng góp quan trọng cho kinh tế số với doanh số bán lẻ trên internet năm 2022 đạt khoảng 35 tỷ đồng, thương mại điện tử đã bộc lộ nhiều mặt trái, với nhiều vi phạm liên quan tới kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Các đối tượng đã chuyển kho hàng từ đồng bằng, thành phố lên các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho hay, thủ đoạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi. Tình trạng hình ảnh trên mạng là hàng thật nhưng hàng giao cho khách là hàng giả diễn ra nhiều; có đối tượng tạo ra 50 fanpage để kinh doanh, sẵn sàng đóng trang này để chuyển sang trang khác nhằm lẩn tránh lực lượng chức năng.
Trong khi đó, người tiêu dùng dù biết là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng không tố giác, vẫn mua và sử dụng. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng trong phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ chưa chặt chẽ; lực lượng chức năng còn hạn chế trong kiểm soát hàng hóa trên môi trường số.
10 tháng năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 62.338 vụ việc, xử lý 44.554 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng. Mặc dù đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu, trong đó có trên thương mại điện tử, vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện vi phạm
Chống hàng giả trên thương mại điện tử đang đặt ra rất cấp thiết. “Lực lượng quản lý thị trường xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong vòng 3 đến 5 năm tới", ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, phải coi không gian ảo, mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử là một "trận địa" để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ trung ương tới địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bà Vũ Thị Minh Tú, đại diện sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada cho biết, để bảo đảm môi trường mua sắm an toàn, sàn chú trọng thực hiện chính sách bảo vệ quyền sử hữu trí tuệ; tập huấn nhà bán hàng về chính sách bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ; áp dụng công nghệ quản trị sàn; phối hợp với các thương hiệu, các nước xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ; công bố, hướng dẫn điều kiện đổi hàng, cách trả hàng cùng cam kết bảo đảm hàng chính hãng và xử lý hàng giả, hàng nhái…
Cũng tại hội thảo, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia sở hữu trí tuệ, thuế, hải quan, phòng, chống tội phạm công nghệ cao đưa ra nhằm nâng cao hơn nữa năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.