Công nghệ

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử: Còn nhiều thách thức

Thu Hằng 08/08/2024 - 06:48

Quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia cũng như sự thịnh vượng toàn cầu.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, việc tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức.

cac-dai-bieu-tham-quan-trun.jpg
Các đại biểu tham quan trưng bày về phân biệt hàng giả - hàng thật do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Tràn lan hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ở Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ (tăng từ 11 tỷ USD vào năm 2021 lên 16 tỷ USD vào năm 2023 và dự báo năm 2025 sẽ đạt 24 tỷ USD), trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số.

Sự phát triển mạnh mẽ này mang lại cho xã hội nhiều lợi ích. Tuy nhiên, chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày một lớn nên không ít đối tượng xấu đã tận dụng mọi kẽ hở để nhập lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bán tràn lan trên mạng với quy mô lớn, khó kiểm soát.

Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban Thường trực Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Chương trình 168) Nguyễn Như Quỳnh cho biết, trước thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ “bùng nổ” như hiện nay, đặc biệt là trên không gian mạng, lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm nhiều đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Bà Nguyễn Như Quỳnh nhận định, giải quyết vấn đề hàng giả, hàng nhái trong môi trường thương mại điện tử là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng. Với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, phần lớn các đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng cụ thể, chỉ tiếp nhận đặt trực tuyến (online), phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng...

Bên cạnh đó, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn. Trên các trang website bán hàng hoặc qua mạng xã hội thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có điện thoại để giao dịch. Ngoài ra, vì là không gian, địa chỉ ảo trên mạng internet nên dễ dàng gỡ bỏ thông tin nhằm xóa dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm.

Nguyên nhân của tình trạng này là do còn nhiều tổ chức kinh doanh chạy theo lợi nhuận; xu hướng mua sắm online tăng lên đáng kể trong khi nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế.

Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

Là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều giải pháp nhằm xử lý và giảm bớt tình trạng này. Trong đó, việc đầu tiên là xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật. Gần đây nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì xây dựng Nghị định số 46/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực vi phạm sở hữu công nghiệp. Với Nghị định số 46/2024/NĐ-CP của Chính phủ, các hành vi vi phạm trong môi trường thương mại điện tử đã được làm rõ.

Hiện nay, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì sửa đổi Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN (hướng dẫn thực hiện Nghị định số 46/2024/NĐ-CP) của Bộ Khoa học và Công nghệ. “Với việc sửa đổi Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN, chúng tôi mong muốn giải quyết tốt hơn, hoàn thiện cơ sở pháp lý và hành lang pháp lý cho xử lý vi phạm trong môi trường thương mại điện tử”, bà Nguyễn Như Quỳnh cho biết.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện nền tảng pháp lý, các chính sách để xử lý, bảo vệ hệ sinh thái nền thương mại điện tử; trên cơ sở đó xây dựng được niềm tin cho thương mại điện tử, giải quyết các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ cả trên môi trường trực tuyến cũng như ngoại tuyến ở Việt Nam; đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ xử lý hành vi vi phạm...

Là cơ quan có thẩm quyền trực tiếp xử lý hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nỗ lực đẩy mạnh xử lý các đơn yêu cầu xử lý vi phạm, trong đó có đơn của các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam và các cá nhân sở hữu tên miền.

“Một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử gia tăng là nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ rất nỗ lực tham gia các hoạt động để nâng cao nhận thức người tiêu dùng, tổ chức độc lập hoặc phối hợp với các bộ, ngành liên quan. Ví dụ, Bộ đã tổ chức các diễn đàn về phân biệt hàng giả - hàng thật, các diễn đàn chỉ ra những yếu tố nhận biết hàng giả...

Bên cạnh nỗ lực của các sàn thương mại điện tử, các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen, tỉnh táo hơn khi mua hàng trên mạng và cần có những phản ứng mạnh mẽ hơn như yêu cầu trả hàng, tố cáo với đơn vị phân phối, cơ quan chức năng nếu mua phải các mặt hàng vi phạm chất lượng, góp phần bảo vệ doanh nghiệp chân chính và quyền lợi chính đáng của chính mình và cả cộng đồng”, bà Nguyễn Như Quỳnh thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử: Còn nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.