(HNM) - Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" đã nhận định "căn bệnh" "...Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân" là một trong những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Đáng nói, "bệnh" vô cảm dễ dẫn đến các biểu hiện suy thoái khác, như thiếu nhiệt tình, né trách nhiệm, xa rời quần chúng, không còn hết lòng vì nước vì dân... Vì vậy, "căn bệnh" này không thể xem nhẹ, phải sớm ngăn chặn, đẩy lùi.
1. Dưới góc độ tâm lý xã hội, “bệnh” vô cảm, thiếu nhiệt tình, che chắn cá nhân, mà nhiều nhà tâm lý gọi là “bệnh ung thư tâm hồn”, có các biểu hiện: Trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ với những hiện tượng đời sống xung quanh, sợ liên lụy, ảnh hưởng uy tín cá nhân, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Không bênh vực, bảo vệ cái tốt; gặp cái xấu không lên án; không giúp đỡ người lâm hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Khi được giao việc cũng không thoái thác trách nhiệm nhưng làm việc cầm chừng, chỉ biết việc mình mà không quan tâm đến đồng nghiệp…
Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, “bệnh” vô cảm, thiếu nhiệt tình, che chắn cá nhân xảy ra trong quá trình tiếp xúc với nhân dân, khi giải quyết những bức xúc, nguyện vọng và đòi hỏi chính đáng của nhân dân không hiệu quả.
Gần đây, hiện tượng này có chiều hướng lan rộng ở không ít cơ quan công quyền. Đó là sự thờ ơ, thiếu thân thiện, dùng chiêu “đánh võng”, gây khó khăn, cản trở, cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc để vụ lợi, gợi ý vụ lợi, thấy việc cần phải làm nhưng không làm hoặc đặt ra những đòi hỏi trái khoáy... khiến người dân, doanh nghiệp bất bình.
Đó còn là hiện tượng tôn thờ lối sống thực dụng, thiếu lý tưởng, niềm tin để phấn đấu; thờ ơ với thế sự, tình hình kinh tế - xã hội đất nước, nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị, địa phương; lười học chỉ thị, nghị quyết; không tham gia các hoạt động của tập thể hoặc tham gia cho có; né tránh phê và tự phê bình, “dĩ hòa vi quý”, “mũ ni che tai”... Từ những biểu hiện này, các chuyên gia cho rằng, “bệnh” vô cảm, thiếu nhiệt tình, che chắn cá nhân ở các “công bộc” của nhân dân đã phát triển thành “bệnh vô cảm chính trị”.
Một biểu hiện thường thấy ở “bệnh vô cảm chính trị” là hiện tượng cán bộ trả lời về các sự việc xảy ra thuộc lĩnh vực lãnh đạo, quản lý, kiểu: “Tôi chưa nắm được thông tin”, “cấp dưới chưa báo cáo”... Không ít cán bộ thực hiện bài “né”, không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn, kể cả sự việc quan trọng nhân dân báo tin cần giải quyết.
Còn nhớ, vào tháng 5-2018, tại hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một trong những nguyên nhân của hiện tượng khiếu kiện đông người, phức tạp, vượt cấp kéo dài chính là do cán bộ xa dân, ít tiếp xúc, lắng nghe nhân dân…
Gần đây nhất, trong hội nghị về công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã phát biểu nhấn mạnh về hiện tượng, dù có kết luận thanh tra, có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng đến quá trình xử lý về kinh tế, hành chính, thu hồi tài sản… thì sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chậm. Có những trường hợp kéo dài 3-5 tháng sau không “động đậy” gì, có trường hợp kéo dài cả năm cũng chưa giải quyết, dân bức xúc vì quyền lợi không được bảo đảm nên lại đi khiếu kiện...
Thế nên không lạ khi các đối tượng chống phá thường lợi dụng sự chậm trễ trên để gây mâu thuẫn, chia rẽ Đảng, Nhà nước, chính quyền cơ sở với nhân dân.
2. “Bệnh” vô cảm, thiếu nhiệt tình, che chắn cá nhân rất nguy hiểm vì những biểu hiện bề ngoài dễ nhận thấy nhưng để xử lý hiệu quả thì khó khăn nếu không có giải pháp mạnh. Trong mỗi đơn vị, tổ chức, “bệnh” này gây ra những hệ lụy rất khó lường. Nhẹ thì là hiện tượng đề phòng, nghi kỵ lẫn nhau, dẫn đến kỷ luật cơ quan, đơn vị bị xâm hại; lỏng lẻo trong công tác tổ chức, điều hành, ảnh hưởng đến hiệu quả phát huy dân chủ. Nặng là các hiện tượng kéo bè cánh, khiếu kiện, tố cáo nặc danh, gây mất ổn định, đoàn kết nội bộ kéo dài và cuối cùng là mất niềm tin nghiêm trọng với nhân dân, doanh nghiệp.
Có thể khẳng định, những hệ lụy từ “bệnh” vô cảm, thiếu nhiệt tình, che chắn cá nhân gây ra chẳng khác nào “cây mất gốc”, làm giảm niềm tin của nhân dân vào kỷ cương phép nước và tính liêm chính của chính quyền.
Nhưng nguy hại hơn cả khi hiện tượng ấy là lực cản vô hình, khiến “công bộc” không nỗ lực tìm ra giải pháp để phát huy lợi thế của đơn vị, địa phương, huy động sức mạnh của nhân dân. Thay vào đó là các biểu hiện tìm mọi khe hở để “lách” với nhiều thủ đoạn khác nhau, nhằm đạt lợi ích vật chất và quyền lực cá nhân.
Trị “bệnh” vô cảm, thiếu nhiệt tình, che chắn cá nhân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị cả nước hiện nay. Trong đó, việc đầu tiên cần làm là thường xuyên đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ, công chức, viên chức.
Làm cho mọi “công bộc” nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn nghĩa vụ, trách nhiệm trước dân để có hành vi ứng xử và hành động phù hợp với quyền hạn. Tiếp đến là cần duy trì chặt chẽ kỷ luật công vụ, nhất là kỷ luật khi tiếp xúc với nhân dân, trong giải quyết công việc. Quá trình xử lý cần lấy tinh thần “dĩ công vi thượng”, hết lòng, hết sức vì dân phục vụ như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
Cùng với đó là đẩy mạnh việc cải cách hành chính một cách thực chất, hạn chế “giấy phép con” và hướng tới số hóa thủ tục hành chính để người dân đỡ bị phiền toái trong giải quyết công việc. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần hoàn chỉnh các quy trình công tác gắn với đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa công sở, tạo ra nền tảng, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, không cho tiêu cực, quan liêu, cửa quyền phát tác.
Thời gian gần đây, bên cạnh những kết quả từ cải cách hành chính mang lại, nhất là sau khi UBND thành phố Hà Nội triển khai hai quy tắc ứng xử trong đời sống, những ì xèo về thái độ phục vụ của đội ngũ “công bộc” trong các cơ quan, đơn vị hành chính Thủ đô đã giảm. Điều này thể hiện qua việc xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) những năm gần đây luôn có sự tăng điểm.
Ngoài ra, việc toàn thành phố đồng loạt triển khai Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội cũng mang lại hiệu ứng tích cực trong thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của các “công bộc”.
…Dù còn nhiều việc phải làm bền bỉ và quyết liệt, nhưng nền tảng từ những cải cách thể chế tại Hà Nội là một trong những biện pháp hữu hiệu và là kinh nghiệm quý để nhiều địa phương nghiên cứu, vận dụng phù hợp trong trị “bệnh” vô cảm, thiếu nhiệt tình, che chắn cá nhân của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tích cực thực hiện phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.