(HNM) - 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Các nhiệm vụ còn tồn tại của cả giai đoạn đều đặt vào năm nay, trọng tâm là hoàn thành giải ngân kế hoạch đầu tư công. Nhưng cũng như nhiều năm trước, 6 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt 33,9% kế hoạch, tuy tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa thoát khỏi căn bệnh "đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng".
Chậm giải ngân vốn đầu tư công là “điệp khúc” kéo dài đã nhiều năm qua. Năm nay, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19 là lý do mới thì những nguyên nhân cũ vẫn đang lặp lại. Đáng chú ý, nguyên nhân chủ quan đã được chỉ rõ, tập trung ở những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện như: Chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn; chưa giải quyết dứt điểm việc giải phóng mặt bằng; chưa chủ động trong phối hợp và chỉ đạo điều hành…
Sau dịch Covid-19, đầu tư công được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng để đưa đất nước vượt qua khó khăn, bởi nguồn vốn này khơi thông sẽ giải quyết được việc làm, góp phần tăng trưởng nền kinh tế… Chậm giải ngân vốn đầu tư công là sự lãng phí cả về cơ hội tăng trưởng và nguồn lực xã hội.
Để không lãng phí nguồn lực này, từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội cùng với các địa phương liên tục đôn đốc, yêu cầu các cơ quan liên quan phải chấn chỉnh tình trạng thiếu ý thức trách nhiệm của cán bộ làm việc trực tiếp; phân công nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Nhiều tỉnh, thành phố cũng tích cực rà soát, tháo gỡ điểm nghẽn của từng dự án; điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án không bảo đảm tiến độ sang dự án có khả năng triển khai nhanh…
Trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiều lĩnh vực kinh tế phụ thuộc vào thị trường nước ngoài gặp khó khăn thì thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công sẽ giúp mỗi ngành, địa phương chủ động thực hiện để giữ đà phát triển cho nền kinh tế. Tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc diễn ra hôm qua (ngày 16-7), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm phải chấm dứt sự trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công.
Hội nghị đã chỉ ra hàng loạt giải pháp nhằm thúc đẩy nguồn vốn này, trong đó nhấn mạnh việc gắn trách nhiệm với người liên quan; tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ; sẽ biểu dương người làm tốt và kỷ luật cá nhân, tập thể vi phạm… Căn cứ chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, các đơn vị liên quan cần triển khai ngay mọi công việc, không trì hoãn vì bất cứ lý do gì.
Ràng buộc trách nhiệm với người thực hiện nhiệm vụ là cần thiết, song cần có cơ chế để giám sát, kiểm tra. Theo đó, rất cần mở rộng cơ chế công khai, dân chủ để hệ thống chính trị và người dân cùng giám sát việc thực hiện dự án. Qua đó, cũng góp phần đẩy mạnh chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Phương hướng cơ bản trong thúc đẩy tiến độ đầu tư công đã được chỉ ra, song với mỗi dự án cần có sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành. Dự án cần được ấn định rõ thời gian hoàn thành, từng khâu công việc gắn với từng bộ phận để ràng buộc trách nhiệm… Khi đó sẽ tránh được "bệnh" đổ trách nhiệm chung chung của nhiều cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, hai vướng mắc lớn nhất đối với giải ngân vốn đầu tư công là giải phóng mặt bằng và quy trình thủ tục. Do vậy, cần có giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn này. Đây sẽ là những "liều thuốc" để trị "bệnh" trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.