(HNM) - 1. “Vận động người dân kiên quyết từ chối sử dụng dịch vụ vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải không tuân thủ các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông” là một trong những nội dung quan trọng trong Thông báo số 315/TB-VPCP, ngày 3-9-2020, kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Lẽ thường, dịch vụ vận tải không bảo đảm trật tự an toàn giao thông đương nhiên sẽ không được hành khách lựa chọn, bởi chẳng ai muốn có một chuyến đi mà nơm nớp lo nguy cơ tai nạn xảy ra. Thế nhưng thực tế, lẽ thường này lại vẫn đang bị nhiều người coi thường.
Có thể nêu vài dẫn chứng, đó là tình trạng không ít người tham gia giao thông không vào bến xe mua vé, mà chọn cách bắt xe dọc đường hay chấp nhận đi trên những chuyến xe chở quá tải, dù biết hành vi xe dừng đỗ đón trả khách trên đường và nhồi nhét khách là vi phạm quy định, gây mất an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Có thể, có người không biết những hành vi trên đã tiếp tay cho phương tiện vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông. Cũng có thể, có người biết nhưng bỏ qua chỉ vì bản thân thấy “tiện hơn” nếu phải vào bến xe... Nhưng rõ ràng thói quen tùy tiện, thiếu ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông vẫn đang khá phổ biến trong đời sống xã hội.
Nhìn rộng hơn, có thể thấy sự tùy tiện, thiếu ý thức chấp hành quy định an toàn giao thông xảy ra ở tất cả mọi hoạt động giao thông chứ không chỉ ở lĩnh vực vận tải. Đó là hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, đi trên vỉa hè… khi vắng bóng lực lượng chức năng; là điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia dù biết hành vi này là nguy cơ hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông và bị xử phạt rất nặng; là phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường diễn ra ở cả trong đô thị lẫn trên các tuyến quốc lộ… nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thời gian qua.
2. Từ lâu, nhiều chuyên gia đã xem việc xây dựng văn hóa giao thông là biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Văn hóa giao thông là ý thức, thái độ của mọi người khi tham gia giao thông, là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. Trong các hành vi ứng xử, trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, thực hiện đúng luật định, tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn và trật tự công cộng.
Xây dựng văn hóa giao thông là mục tiêu chúng ta đang hướng tới. Xây dựng văn hóa giao thông, ở góc độ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, không dễ trong một sớm một chiều, nhưng lại là những hành vi rất đơn giản: Không vi phạm và tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật về giao thông; đi đúng làn đường, đúng tốc độ, không phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu; không sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện; tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành quy định; hợp tác, ứng xử văn minh khi xảy ra va chạm giao thông…
Để xây dựng văn hóa giao thông, chúng ta đã có đầy đủ hệ thống pháp luật về giao thông, có quy tắc đạo đức và ứng xử; có chương trình tuyên truyền, giảng dạy về an toàn giao thông trong các cấp học để hình thành nhận thức, thói quen tuân thủ quy định. Chúng ta có lực lượng duy trì trật tự, an toàn giao thông, xử lý hành vi vi phạm pháp luật… Tuy nhiên, trên hết, cần xây dựng cho được ý thức tự giác của mỗi người khi tham gia giao thông. Bởi dù có đủ quy định, có chế tài xử lý nặng đến mấy mà thiếu ý thức tự giác chấp hành thì những hành vi vi phạm vẫn khó có thể xử lý được triệt để.
Với mục tiêu ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải nói riêng, kéo giảm 10% cả về số vụ tai nạn, số người chết, người bị thương do tai nạn giao thông nói chung so với năm 2019, một trong những yêu cầu quan trọng trong những tháng cuối năm 2020 là tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tuyên truyền chủ xe, lái xe hiểu rõ quy định về kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa.
Đặc biệt vận động người dân từ chối dịch vụ vận tải không tuân thủ quy định bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Điều này góp phần xây dựng văn hóa giao thông, mà tinh thần tự giác chấp hành quy định phải được đặt lên hàng đầu. Trước mắt, ý thức chấp hành quy định có tác dụng hạn chế tai nạn giao thông. Lâu dài, đây là nền tảng hình thành văn hóa giao thông, tạo nên môi trường giao thông hiện đại, văn minh, an toàn, thân thiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.