Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tranh luận nhiều vấn đề “nóng”

Hương Ly - Thanh Hải| 27/05/2018 07:49

(HNM) - Ngày 26-5, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn tranh luận nhiều vấn đề “nóng”, được đông đảo cử tri quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến về công tác điều hành ngân sách nhà nước.


Đại biểu Quốc hội  Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội) phát biểu tại hội trường, ngày 26-5. Ảnh: TTXVN


Vượt qua thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu

Buổi thảo luận cuối cùng nhằm đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi của các đại biểu.

Băn khoăn về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) đặt câu hỏi: "Sức khỏe" của doanh nghiệp và đời sống của người dân có thực sự được cải thiện song hành với tốc độ tăng trưởng GDP hay không, bởi cả 3 “mũi nhọn” giải quyết bài toán bền vững của nền kinh tế, gồm: Phát triển doanh nghiệp tư nhân, năng suất lao động, hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp đều đang bộc lộ một số vấn đề. “Đến nay, kinh tế tư nhân tiếp tục được ví như đội quân “thuyền thủng”, gặp gió sẽ khó trụ được. Với gánh nặng về chi phí thủ tục cùng với mô hình nhỏ lẻ, năng lực quản trị yếu thì căn bệnh kinh niên khó có thể chữa” - đại biểu Nguyễn Như So phân tích...

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo, giải trình làm rõ 3 nội dung tái cơ cấu ngân sách nhà nước, chấp hành kỷ luật kỷ cương tài chính, bội chi ngân sách và nợ công trong 2 năm qua. Bộ trưởng cũng cho biết đang tích cực rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý để trình Quốc hội cho xóa số nợ thuế không có khả năng thu để bảo đảm phản ánh đúng thực chất số nợ thuế, minh bạch trong quản lý thuế.

Giải trình làm rõ vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận, tình trạng thị trường lao động chưa hình thành đồng bộ theo cơ chế thị trường, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao và thiếu hai nguồn nhân lực quan trọng là nhân lực quản lý và nhân lực chất lượng cao. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã báo cáo bổ sung 3 nội dung về: Phát triển xuất khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và xử lý các dự án tồn tại, yếu kém.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trong 1,5 ngày thảo luận tại hội trường, đã có 60 đại biểu phát biểu và có 13 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề quan tâm. Các vị bộ trưởng cũng phát biểu giải trình để cung cấp thêm một số nội dung liên quan. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo tiền đề quan trọng cho những năm tiếp theo.

Còn “khoảng trống” pháp luật trong khai thác khoáng sản

Phiên thảo luận chiều 26-5 về dự thảo Nghị quyết xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước các năm 2018-2020 đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu về khoản tiền bảo hiểm xã hội mà Chính phủ chuyển về Quỹ Bảo hiểm xã hội. Băn khoăn về lãi suất phát sinh đối với khoản nợ của Quỹ Bảo hiểm xã hội, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đoàn Bình Định) cho rằng, về nguyên tắc khi phát hành lúc đó mới phát sinh trả trái phiếu được tính lãi dù tính theo năm hay dài hơn. Đại biểu kiến nghị, để bảo đảm tính minh bạch cũng như một số ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cần tính lãi từ thời điểm phát hành trái phiếu.

Góp ý kiến việc phân chia tiền khai thác tài nguyên nước, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) đồng ý với ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trong việc ban hành Nghị quyết và tính toán tỷ lệ phân chia từ giai đoạn 4 tháng của năm 2017 và trong cả giai đoạn đến năm 2020 là phù hợp...

Giải trình ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước đúng là “khoảng trống” pháp luật như các đại biểu đề cập vì nghị định chậm so với hiệu lực của luật cũng như việc cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản. Về vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo. Thứ hai là về bảo hiểm xã hội, về căn cứ, tại sao không tính từ năm 2006 đến năm 2015? Theo Bộ trưởng, một phần vì trong giai đoạn vừa qua ngân sách có khó khăn, nếu bố trí thì vẫn được, nhưng chúng ta ưu tiên cho các mục tiêu khác, nhất là đầu tư, chi về an sinh xã hội. “Từ năm 1995 đến nay đã hơn 20 năm, nhưng năm 2015, Chính phủ báo cáo Quốc hội, hôm nay Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội 2 nội dung này. Chúng tôi cho rằng, Chính phủ nghiêm túc” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giải thích rõ thêm: Quỹ Bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính của Nhà nước. Dù có quyền lợi của người lao động trong đó, song Nhà nước sẽ phải bảo đảm cho hoạt động của quỹ này. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ ghi nhận đầy đủ các ý kiến của đại biểu và trình Quốc hội hoàn thiện để bổ sung các báo cáo theo quy định.

Vụ án tai biến chạy thận làm 9 người thiệt mạng đang được xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình cũng được các đại biểu tranh luận sôi nổi. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình) cho biết, thời gian gần đây, nhiều đại biểu quan tâm đến vụ án, song có người đánh giá là oan, sai, thậm chí dẫn dắt dư luận là có tội hay không có tội, tạo nên sức ép không cần thiết đối với hoạt động của các cơ quan giải quyết vụ án.

Ngay sau phát biểu này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội) đã giơ biển tranh luận. Theo đại biểu, vụ án này không chỉ được các nhân viên y tế mà cử tri cũng rất quan tâm đến sự minh bạch, khách quan và công tâm của phiên tòa. “Chúng ta không thể quy trách nhiệm cho một bác sĩ chỉ biết cứu người và làm đúng chức trách nhiệm vụ của họ, ngoài công việc họ không được giao và kỹ năng họ không được đào tạo đó là việc chuẩn hóa nguồn nước RO trong chạy thận nhân tạo” - đại biểu Nguyễn Quang Tuấn phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Thông qua diễn đàn Quốc hội và báo chí, chúng tôi phát biểu và chịu trách nhiệm về phát biểu của mình. Tôi tự hỏi nếu không có dư luận, nếu không có những phân tích thì vụ án VN Pharma với vấn đề thuốc ung thư giả có được Tòa án cấp cao xem lại hay không? Chúng ta đang sống trong xã hội dân chủ và tất cả những ý kiến đều phải được tôn trọng”.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh luận nhiều vấn đề “nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.