Xã hội phê phán thầy cô chỉ biết đọc chép, nhưng học thế nào, ghi thế nào là lựa chọn của học sinh, không phải giáo viên.
Gần đây, rất nhiều người phê phán giáo dục, phê phán các thầy cô là có cách dạy chưa đúng. Tôi trưởng thành từ nền giáo dục cũ, hiện cũng là giáo viên và muốn "giải oan" cho những người thầy trong ngày Hiến chương các nhà giáo.
Chị Lê Như Hoa, chuyên gia giáo dục của VietFuture. |
Đọc chép có phải xấu
Nhiều người chê trách ở Việt Nam thầy cô đọc chép và học thuộc lòng nhiều quá. Vì vậy, họ "đổ tội" việc học sinh kém phát triển trí tưởng tượng là do giáo viên. Nhưng theo tôi chúng ta cần nhìn nhận đa chiều hơn. Không phải thầy cô giáo nào cũng dạy đọc chép và học thuộc lòng và không phải cứ đọc chép và học thuộc lòng là xấu.
Theo tôi, quan trọng không phải là cách thức học, cách thức dạy mà là ở tư tưởng dạy và tư tưởng học. Điều đó quan trọng hơn nhiều. Vì vậy, nếu trách các thầy cô đọc chép thì nên trách tư duy của chúng ta trước.
Cũng là chép, cách học thuộc lòng nhưng có hàng nghìn cách khác nhau. Nếu chúng ta không chép y đúc như thầy cô đọc thì họ cũng chẳng mắng. Học thuộc cũng vậy, nếu thầy cô hỏi mà trò trả lời không giống hệt như sách viết cũng không sao. (Chỉ có một tỷ lệ rất rất ít thầy cô yêu cầu phải 100% như đúc mà thôi).
Hồi nhỏ, tôi cũng chẳng phải loại thông minh sáng lạng. Tôi cũng ít khi chép kịp lời thầy cô, nên thường dùng ký hiệu ghi nhớ sau đó chép theo ý mình hiểu. Thi thoảng, tôi để trống vở hoặc để lề vở rất rất to, xong về điền thêm vài điều mình tìm hiểu được về nội dung học (đôi khi chỉ là rất ít) bổ sung vào nội dung đã được học trên lớp.
Khi học thuộc lòng cũng thế, không bao giờ tôi học thuộc y đúc như sách giáo khoa, một câu hỏi tôi luôn vặn vẹo, xoay các kiểu thành 3-4 dạng câu hỏi khác rồi tự trả lời. Và tôi thấy rằng, từ các thầy cô mà cả lớp sợ, được gán mác là “ghê gớm” đến các thầy cô “tuyệt vời” đều không mắng tôi vì "tội" đó. Tôi luôn là một trong số những người trả lời nhiều nhất lớp, và được điểm miệng cao hơn các bạn mà chẳng phải học vẹt.
Nhiều năm nghiên cứu về giáo dục thực hành, tôi thấy rằng, mỗi lớp có nhiều học sinh, mỗi em lại có khả năng ghi nhớ của mình nên cần cách thức học phù hợp. Có học sinh học qua cảm nhận hình ảnh, màu sắc, có em học qua âm thanh (đọc và nghe là một cách bổ trợ rất tốt), có em lại học qua phương thức vận động, thực hành… Vì vậy đọc chép về mặt nào đó bổ trợ rất tốt cho chúng ta trong quá trình “tạo những vết thâm” đầu tiên cho cơ quan ghi nhớ là não bộ. Việc luyện tập một cách đều đặn vô hình trung sẽ nâng cao khả năng này của mỗi con người.
Chúng ta có thể nhìn nhận một cách khách quan như sau: Trong một lớp học, bao giờ cũng có một số học sinh có khả năng nghe nhanh, ghi chép nhanh và hiểu cũng nhanh. Bên cạnh đó, sẽ có những em nghe chậm và hiểu chậm. Khi đó, giáo viên cần thực hiện lặp lại việc đọc, với mức độ chậm hơn để toàn bộ học sinh có thể ghi chép đầy đủ. Điều đó hoàn toàn không phải là tệ. Vì nó giúp em kém có thể hiểu bài, và những em thông minh có thể nhớ bài.
Vì vậy không nên gán mác là giáo viên Việt Nam chỉ biết đọc chép và học thuộc lòng, vì học thế nào, ghi thế nào là cách học sinh lựa chọn, không phải thầy cô.
Phê phán và chê bai
Xã hội đang phê phán và chê bai nền giáo dục vì ở cấp học nào cũng không làm hài lòng hết tất cả phụ huynh. Đúng là có một số giáo viên chưa làm đúng nhiệm vụ của người thầy, tuy nhiên, bạn hãy nhìn lại xem, những người đã dạy bạn, ai cũng cho bạn bài học và kinh nghiệm sống. Vậy thì thầy cô dạy con cái bạn cũng thế.
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ rất nhiều thầy cô, những người đã kiên trì dạy tôi, vui vẻ khi tôi hỏi bài. Ngay cả một số giáo viên trước đây tôi không mến vì có những điều mà tôi cho là xấu, thì giờ đây tôi nhận thấy, họ đã giúp tôi có những bài học đa dạng về cuộc sống.
Không có gì là hoàn hảo tuyệt đối, nên đừng vì con sâu mà đổ cả nồi canh với bao công sức người trồng, người chăm bón. Tôi cho rằng, điều quan trọng không phải đi tìm cái tốt nhất, hoàn hảo nhất mà là cố gắng làm cho mọi thứ tốt lên. Trước khi chê bai hãy nghĩ đến những điều mình nên làm, để cống hiến, để góp phần cải thiện những thứ mà chúng ta chưa hài lòng hoặc thấy chưa tốt. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo và bằng cả trái tim.
Tôi cho rằng mỗi người cần chung tay góp sức, từng chút thay đổi giáo dục Việt Nam. Đầu tiên, hay gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, đặc biệt với những ai đang công tác và nghiên cứu trong lĩnh vực “trồng người” thì đây càng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Phải tạo dựng một thái độ tích cực hơn với giáo dục thì chúng ta đạt được những kết quả tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.