Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao đang có nhiều bất cập về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề - giới tính…, đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động thực hiện giải pháp điều chỉnh thông qua chính sách học bổng.
Thậm chí, để thu hút học viên, sinh viên giỏi, nhiều doanh nghiệp còn phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẵn sàng trả lương ngay từ quá trình đào tạo nghề.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động
Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, công tác gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp, phân luồng học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học nghề luôn được chú trọng. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai đào tạo nhân lực chất lượng cao, bao gồm bất cập về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề - giới tính trong công tác giáo dục nghề nghiệp. Đơn cử như về cơ cấu trình độ, số lượng học sinh vào học đại học ngày càng đông, tăng khoảng 50.000 học sinh/năm. Lao động trình độ đại học chiếm tỷ lệ rất lớn, có khi lên đến 70% thị trường lao động. Trong khi đó, các doanh nghiệp vô cùng “khát” nhân lực có tay nghề cao, được thực hành nghề thường xuyên ở các trường trung cấp, cao đẳng.
Về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Phạm Xuân Khánh cho biết: “Hiện nay, trường chúng tôi đã hợp tác với hơn 400 doanh nghiệp trong việc đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất, tặng học bổng nhằm thay đổi cơ cấu trình độ và cơ cấu ngành nghề giới tính. Nhờ vậy, số lượng tuyển sinh đã đồng đều, chất lượng đầu vào cũng tốt hơn trước nhiều”.
Chia sẻ thêm về chính sách học bổng, hỗ trợ phân luồng học sinh có kiến thức nền tảng tốt vào các trường nghề, Trưởng khoa Ngôn ngữ (Trường Cao đẳng nghề Long Biên) Giang Thị Tám cho hay: “Trường chúng tôi xét học bạ trung học phổ thông, tặng học bổng 100% khóa học khám phá tiếng Trung Quốc. Với hệ trung cấp, thời gian đào tạo 2,5 năm, chú trọng tiếng Trung thực hành. Với hệ cao đẳng, sau 2,5 năm lấy bằng cử nhân thực hành, năm cuối các em sẽ được thực tập tại Trung Quốc. Ngoài ra, chúng tôi còn có chính sách du học chuyển tiếp, hợp tác để lấy bằng cử nhân từ các trường đại học uy tín của Trung Quốc, tiết kiệm cho sinh viên hơn 60% chi phí so với du học thông thường”.
Các doanh nghiệp chủ động vào cuộc
Trong bối cảnh “thừa thầy, thiếu thợ”, sự vào cuộc chủ động của các doanh nghiệp có ý nghĩa lớn trong việc giúp chính doanh nghiệp có thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng năng lực sản xuất. Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm thu hút, tuyển dụng nhân sự, học viên để tham gia đào tạo, huấn luyện. Thậm chí, các doanh nghiệp còn cử đội ngũ chuyên gia, kỹ sư giỏi của mình hỗ trợ các trường hướng dẫn học viên vận hành hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến nhất của đơn vị.
Chia sẻ về nội dung này, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinFast Trần Lê Phương cho biết: “VinFast - doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực xe điện tại Việt Nam với mục tiêu trở thành hãng xe điện hàng đầu thế giới, chúng tôi có nhu cầu rất lớn về nguồn lực lao động chất lượng. Trong năm 2023 và quý I-2024, chúng tôi đã tiếp nhận và đào tạo hơn 1.200 sinh viên trong các chương trình liên kết thực tập. Các sinh viên đã được học tập, trải nghiệm trong phòng lab đào tạo hiện đại, được hướng dẫn thao tác trực tiếp trên dây chuyền sản xuất, được thực hành kỹ năng, phát triển tay nghề”.
Một trong các giải pháp thu hút tuyển sinh đào tạo nhân lực có chất lượng cao là thông qua sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường nghề để cung cấp nhiều cơ hội thực tập có lương, với chế độ đãi ngộ tốt cho các sinh viên trong quá trình trải nghiệm tại doanh nghiệp. Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh cho biết, tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, với sinh viên đạt học bổng của doanh nghiệp, có thể được doanh nghiệp trả lương trong quá trình học tập từ 4 đến 10 triệu đồng/tháng. Trường cũng cam kết giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Rất nhiều cơ hội học tập và làm việc đang mở ra với các bạn trẻ. Nếu có sức khỏe, không ngại khó, ngại khổ, có hiểu biết và nhận thức tốt, trân trọng đối với việc làm nghề, giới trẻ có rất nhiều lựa chọn từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để rèn kỹ năng, trau dồi kiến thức, thái độ, sẵn sàng tham gia thị trường lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.