Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trận chiến khắc nghiệt

Vân Khanh| 04/11/2012 06:04

(HNM) - Đóng góp cho ngân sách dài hạn của EU 2014-2020 được dự báo sẽ gây bất hòa giữa các quốc gia thành viên tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) trong ít ngày tới đã thành hiện thực khi có không ít ý kiến trái ngược giữa các bên xung quanh chủ đề nóng bỏng này.

EU đang đứng trước nguy cơ chia rẽ vì ngân sách chung.


Thật ra, chưa bao giờ những khoản chi cho ngân sách EU lại dễ dàng đạt được sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Trong khi những thành viên "thường thường bậc trung" luôn ủng hộ việc tăng mức đóng góp cho ngân sách chung thì những "đầu tàu" như Đức, Pháp, Anh, Hà Lan… lại luôn dè dặt. Phản ứng có vẻ bất thường này là không quá khó hiểu. Với quy định theo cách thức "có nhiều đóng nhiều, có ít góp ít" - theo thu nhập quốc gia - khiến các nền kinh tế mạnh của Châu Âu kiêm luôn cả vai trò Mạnh Thường Quân của quỹ ngân sách.

Sẽ chẳng thành chuyện nếu cơn khủng hoảng nợ nần không gõ cửa Lục địa già. Áp lực vung tiền để cứu những thành viên "nặng nợ" khỏi bờ vực phá sản, tránh cho Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đi đến kết cục tan vỡ đã đè nặng trên vai các trụ cột khu vực. Lục địa phồn vinh bậc nhất thế giới bước vào thời kỳ khổ hạnh chưa từng có với những lời kêu gọi và cam kết thắt lưng buộc bụng liên tiếp. Do đó, chủ trương tăng thêm 5% đóng góp vào ngân sách EU năm 2013 đã vấp phải sự phản ứng gay gắt. Những thành viên phản đối cho rằng làm như vậy là hoàn toàn đi ngược lại chính sách thắt chặt chi tiêu trong ngân sách của từng quốc gia thành viên.

Nay dự án ngân sách dài hạn giai đoạn 2014-2020 vừa được đề xuất cũng vậy. Các nước có nền kinh tế mạnh trong khu vực đã không đồng tình với kế hoạch tăng thêm 6,8% ngân sách chung. Và xem đây là ý tưởng không thể chấp nhận giữa lúc Châu Âu đang đồng loạt cắt giảm chi tiêu công và thực thi chính sách "khắc khổ". Tiên phong trong phản đối ý tưởng tăng đóng góp cho ngân sách chung là Anh. Thủ tướng David Cameron đã hơn một lần công khai đề nghị cắt giảm mức đóng góp cho quỹ chung của Châu Âu. Lần này, ông chủ số 10 phố Downing thậm chí "dọa" sẽ phủ quyết văn kiện với mức tổng chi lên tới 1.000 tỷ euro của ngân sách 7 năm tới nếu EU không điều chỉnh dự thảo giảm đi ít nhất 100 tỷ euro theo mong muốn của London. Đan Mạch cũng chung yêu cầu với Anh. Không cần biết điều gì sẽ xảy ra, Thủ tướng Helle Thorning-Schmid tuyên bố sẽ phủ quyết kế hoạch ngân sách dài hạn của EU nếu Copenhagen không được giảm trừ 174 triệu USD/năm tiền đóng góp. Dù đã "xiêu lòng" với dự án giảm chi khi ủng hộ một quỹ ngân sách ít hơn 1.000 tỷ euro, Đức lại không thống nhất với những quan điểm quá cứng rắn mà mong muốn giải quyết bất đồng thông qua thảo luận và đối thoại tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Không chỉ ở quy mô tổng thể, việc dùng ngân khoản trong nguồn đóng góp chung này để hỗ trợ các quốc gia trong từng lĩnh vực cũng phản ánh sự chia rẽ khá nặng nề trong nội bộ EU. Mới đây nhất, Pháp đã chính thức thông báo không ủng hộ một ngân sách dài hạn sẽ tiếp tục cắt giảm đối với khu vực nông nghiệp sau khi Chủ tịch luân phiên EU là Cộng hòa Síp đưa ra đề án giảm trợ giá nông nghiệp để có thể khiến ngân sách EU giảm 50 tỷ euro. Phản ứng của Pháp - nước vốn nhận được trợ giá nông nghiệp nhiều nhất - vì vậy đã làm sâu sắc thêm những khác biệt giữa các quốc gia EU về một chiến lược dài hơi với thứ vũ khí chủ chốt nhất bảo đảm hoạt động cho châu lục, đó là quỹ ngân sách chung.

Cho đến nay, khoảng 15 thành viên EU muốn tăng đóng góp cho ngân sách chung vì cho là cần thiết để tạo thêm nguồn lực nhằm ứng phó với những khó khăn tài chính mà nhiều quốc gia Châu Âu đang mắc phải. Nhưng ngược lại, cũng có lý do để khiến nhiều thành viên lo âu. Lãnh đạo các nước thành viên phản đối đang chịu sức ép mạnh từ dư luận trong nước, vì "thần dân" cho rằng họ không có nghĩa vụ phải "dốc túi" để chi cho những người hàng xóm đã tiêu xài phung phí đến nỗi phải mắc nợ. Cuộc đấu khẩu quyết liệt xem ra chỉ có hồi kết tại hội nghị thượng đỉnh cuối tháng 11 này của EU. Song trận chiến khắc nghiệt này dù vừa bắt đầu đã cho thấy hành trình thanh toán nợ nần của Châu Âu vẫn đầy những chướng ngại ở phía trước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trận chiến khắc nghiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.