Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trái cây ngoại lấn át thị trường

Đỗ Minh| 06/08/2017 06:10

(HNM) - Tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị... trái cây nhập khẩu được bán rất phong phú với giá cả không đắt hơn nhiều so với trái cây trong nước, cộng với chất lượng, hình thức bắt mắt nên đã hút được rất đông người tiêu dùng.

Trái cây nhập ngoại được bày bán tại các siêu thị. Ảnh: Anh Tuấn


Tràn ngập trái cây ngoại giá rẻ

Tại chợ Hà Đông, các quầy hàng bán hoa quả bày la liệt các loại trái nhập khẩu: táo Mỹ, nho đen Nam Phi, lê Hàn Quốc... Chị Nguyễn Thị Lam, chủ một quầy hoa quả trong chợ Hà Đông cho biết, chị bán cả trái cây nhập khẩu và trong nước, nhưng lượng tiêu thụ trái cây nhập luôn nhiều hơn; trái cây Việt Nam chủ yếu bán theo mùa. Trước đây, trái cây nhập khẩu chủ yếu được người tiêu dùng mua để làm quà, thì nay họ mua về phục vụ nhu cầu của gia đình bởi giá trái cây nhập rẻ hơn trước nhiều…

Khảo sát tại cửa hàng trái cây nhập khẩu cao cấp DP Fruits trên phố Trần Duy Hưng cho thấy, tại đây bán nhiều loại quả ngoại giá rẻ kèm ưu đãi, như: Lê Nam Phi loại lớn giá 250.000 đồng/2kg, cam vàng Nam Phi khuyến mãi mua 2 tặng 1 chỉ có 200.000 đồng/3kg, lê Hàn Quốc cuối vụ giá 120.000 đồng/kg… Chị Nguyễn Thị Hằng, một trong những khách quen tại cửa hàng đánh giá, trái cây ngoại ngon, giá tương đối rẻ, hình thức đẹp, chất lượng cũng yên tâm hơn do tin tưởng vào khâu kiểm định trong quy trình nhập khẩu nên gia đình thường xuyên mua về dùng. Chị cũng cho rằng, trái cây trong nước có nhiều loại ngon, nhưng chỉ xuất hiện theo mùa và ít được bán nhiều tại cửa hàng lớn hoặc siêu thị. Trong khi đó, trái cây ngoại đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng về số lượng, chất lượng, sở thích...

Còn tại siêu thị Big C Hà Đông, hàng loạt táo gắn mác ngoại được bán với giá rất rẻ. Tuy nhiên, qua trao đổi, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Đối ngoại hệ thống Big C khẳng định: Tại siêu thị này, trái cây ngoại chỉ chiếm khoảng 5%, còn 95% là trái cây nội và đang được tiêu thụ tốt. Có thể, trái cây ngoại mẫu mã đẹp, giá hợp lý nên thu hút những khách hàng kỹ tính.

Theo ông Nguyên, hiện nay rất nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng “quay lại” với trái cây nội bởi thực tế, chất lượng không thua kém hàng nhập. Như vậy, nếu có chiến lược khai thác bài bản, trái cây nội hoàn toàn có cơ hội giành lại được vị trí tương xứng tại thị trường trong nước…

Cần chiến lược quảng bá chuyên nghiệp

Trái cây Việt đang phải chịu lép vế so với trái cây nhập ngoại. Ảnh: Anh Tuấn


Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã chi 852 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng rau quả nhập khẩu nhiều nhất là từ Thái Lan, chiếm 57%; kế đó là Trung Quốc với 16,8%; các loại rau quả được nhập từ Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ… cũng đều tăng mạnh trong thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh mặt hàng trái cây mới chỉ tập trung cho xuất khẩu, chưa chú trọng khai thác thị trường trong nước. Thực tế, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này trong nước rất lớn, nhưng đang bị “coi nhẹ”. Chất lượng trái cây Việt có thể xuất khẩu tại các thị trường “kỹ tính” mà không thể “chinh phục” người tiêu dùng trong nước thì đây là vấn đề cần quan tâm.

Theo một số khảo sát cho biết, nguyên nhân không phải do chất lượng mà yếu ở khâu quảng bá và xây dựng thị trường nội địa cho trái cây Việt. “Các sản phẩm trái cây ngoại có thể xuất hiện tràn ngập tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng, chợ đầu mối, chợ dân sinh, thậm chí trên cả những chiếc xe bán hàng rong… đều do khâu quảng bá sản phẩm” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Để trái cây nội không bị “lép vế” và từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa như tiềm năng vốn có, trước hết cần có chiến lược quảng bá chuyên nghiệp; đồng thời có kế hoạch sản xuất những loại quả phù hợp thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Ông Lê Linh Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Rau quả Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, rất nhiều loại trái cây ở nước ta có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, hoàn toàn có thể cạnh tranh với trái cây nhập. Hơn nữa, nếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, do không phải chịu chi phí nhập khẩu, giá sẽ “mềm” hơn các loại quả ngoại có chất lượng tương đương… Do đó, các doanh nghiệp cần có hình thức giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại… để thu hút được người tiêu dùng trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trái cây ngoại lấn át thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.