Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm người đứng đầu địa phương với an toàn thực phẩm

Gia Khánh| 13/01/2020 07:17

(HNM) - Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc - diễn ra cuối tuần qua - về an toàn thực phẩm khi chỉ còn gần 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Đây là một trong những quyền quan trọng của mỗi con người.

Quả thực ngẫm ra thì ngay việc tổ chức một hội nghị quan trọng như vậy vào thời điểm này cũng đủ nói lên ý nghĩa, tầm mức của nhiệm vụ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm - một vấn đề thiết thực, liên quan sát sườn đến mỗi người dân, nhưng cũng có không ít bức xúc, không ít bất cập, không ít vấn đề nan giải chưa chắc giải quyết được ngay trong một sớm, một chiều. Đó là vẫn còn không ít hàng hóa "3 không" - không nhãn mác, không xuất xứ, không thời hạn sử dụng - bày bán công khai.

Người tiêu dùng mỗi khi đi chợ vẫn nơm nớp nỗi lo thực phẩm mình mua liệu có an toàn hay không? Chưa kể, đó là còn tới hàng triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh thực phẩm và khó kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó là ý thức của người sản xuất, người tiêu dùng còn kém, chưa thấy được cái hại cho xã hội, cho cộng đồng, cho chính bản thân khi sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn.

Một điều quan trọng nữa là ý thức trách nhiệm chưa cao của một bộ phận cán bộ làm công tác "gác cửa", ngăn chặn thực phẩm mất an toàn ra thị trường, đi vào bữa ăn của mỗi gia đình. Trong đó, ý thức, vai trò "gác cửa" của cán bộ cơ sở, lãnh đạo chính quyền địa phương có lẽ là quan trọng nhất. Một ví dụ từ chuyến thị sát tại huyện Đông Anh (Hà Nội) mà người đứng đầu Chính phủ nêu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm cho thấy, cán bộ cơ sở, xã, phường phải nắm chắc trên địa bàn có bao nhiêu cơ sở sản xuất? Quy trình sản xuất như thế nào? Sử dụng những loại hóa chất gì? Nếu truy đến cùng nơi sản xuất thực phẩm, nông sản không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc cho cộng đồng thì ngoài người sản xuất trực tiếp, cả chính quyền cơ sở cũng phải chịu trách nhiệm, chứ không thể nói không biết. Hay nói cách khác, khi lãnh đạo địa phương nắm chắc, hiểu rõ từng cơ sở sản xuất thì thực phẩm bẩn mới được gác chặt, được ngăn chặn, không thể đến bàn ăn của mỗi người dân.

Hay một ví dụ khác là tại Hà Nội, sau khi triển khai mô hình thanh tra an toàn thực phẩm đến các phường, xã, công tác an toàn thực phẩm đã chuyển biến rõ rệt. Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra tăng lên, từ đó nhiều cơ sở phải đầu tư, thay đổi quy trình sản xuất phù hợp; số hành vi vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng kịp thời hơn và từ đó người sản xuất, người tiêu dùng cũng có ý thức tuân thủ quy định hơn.

Thực tế, thời gian qua, tinh thần chỉ đạo quyết liệt và không nhân nhượng với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm từ chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tới các cấp, ngành đã đưa đến những chuyển biến rõ rệt ở bình diện chung. Cấp tỉnh, thành phố ban hành chỉ thị, kế hoạch, giải pháp rất cụ thể trong lãnh đạo công tác an toàn thực phẩm; cấp xã, phường tăng cường kiểm tra, xử lý, tạo ra thay đổi căn bản ở mỗi cơ sở, người sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, từ sau hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm, dư luận lại càng mong muốn và tin tưởng rằng tinh thần chỉ đạo quyết liệt với thực phẩm bẩn tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Đó là việc xử lý nghiêm, không khoan nhượng với mọi hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, không bỏ qua bất cứ vụ việc nào, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không chỉ là tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, tại những nơi tập trung phần lớn hoạt động giao thương như chợ dân sinh, siêu thị, quán ăn đường phố... công tác kiểm tra an toàn thực phẩm càng nên được thường xuyên và đẩy mạnh hơn nữa để bảo đảm người dân có thể lựa chọn được nguồn thực phẩm an toàn.

Trách nhiệm của toàn xã hội, của các cấp, ngành phải được tăng cường. Trong đó, phân công cụ thể trung ương ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn; địa phương quản lý, thanh tra, kiểm tra, chủ động điều phối nguồn lực. Thể chế về an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục hoàn thiện theo hướng đầy đủ, có hệ thống, phù hợp thông lệ quốc tế, hình thành được các mô hình quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả ở địa phương.

Về lâu dài, để giải quyết tận gốc vấn đề an toàn thực phẩm, các ngành, địa phương tổ chức quy hoạch vùng sản xuất sạch, kinh doanh theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến...

Tuy nhiên, để làm được những việc đó, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cấp, nhất là cấp cơ sở và chủ các cơ sở sản xuất rất quan trọng. Khi người đứng đầu ý thức được nhiệm vụ và có quyết tâm thì công việc mới đạt hiệu quả cao. Chỉ "Khi anh bưng một đĩa thức ăn cho khách dùng thì phải nghĩ đến an toàn thực phẩm như thế nào mà nếu có gì xảy ra thì chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chịu trách nhiệm thế nào" như lời Thủ tướng nói tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm mới có thể làm vơi đi nỗi lo của người tiêu dùng. Khi đó, quyền được bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân sẽ được bảo đảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm người đứng đầu địa phương với an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.