Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm của toàn xã hội

Chí Kiên| 20/03/2019 06:21

(HNM) - Những ngày này, dư luận đang xôn xao trước việc có hàng nghìn cháu bé ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được cha mẹ đưa đi xét nghiệm ấu trùng sán lợn, do nghi ngờ bị nhiễm từ những bữa ăn bán trú ở trường học. Vụ việc dù vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân, nhưng rõ ràng đây là lời cảnh báo đến các cấp, ngành chức năng, nhất là ngành Giáo dục, Y tế trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, nhất là ở các trường học.


Dinh dưỡng đóng vai trò quyết định đối với việc nâng cao thể lực, trí tuệ cho con người. Tại các trường học tổ chức bán trú, vấn đề an toàn thực phẩm trong bữa ăn cho học sinh càng trở nên quan trọng, nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, giúp trẻ em có sức khỏe tốt, phát triển đầy đủ về đức, trí, thể, mỹ. Vì thế, với các bậc phụ huynh, bên cạnh việc học thì chuyện con ăn uống, nghỉ ngơi ở trường như thế nào luôn là nỗi lo canh cánh. Trong bối cảnh bệnh dịch và an toàn thực phẩm đang là câu chuyện thời sự, chất lượng bữa ăn bán trú ở trường học… lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Do đó, các khâu kiểm soát nguồn gốc, ý thức thực hành trong chế biến, vệ sinh dụng cụ chứa đựng thực phẩm… là những phần việc phải làm thật tốt, nghiêm ngặt theo đúng quy trình.

Một vấn đề cần lưu ý là xuất phát từ điều kiện thực tế, hiện nay, không ít trường học ký hợp đồng cung ứng dịch vụ thực phẩm với các đơn vị bên ngoài. Vì vậy, vấn đề ưu tiên hàng đầu, được các vị phụ huynh mong mỏi là nhà trường chọn lựa những đơn vị có uy tín, có trách nhiệm, đạo đức. Cùng với đó là công tác quản lý của cơ quan chức năng phải minh bạch, xử lý nghiêm những vi phạm, luôn đặt vấn đề bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Bởi, thực tế, chính sự thiếu trách nhiệm, sự lỏng lẻo trong khâu quản lý hay vì lợi ích riêng sẽ rất nguy hiểm và đáng trách, gián tiếp đầu độc người dân, nhất là trẻ nhỏ qua con đường ăn uống.

Trong công tác quản lý, việc hết sức quan trọng là phải phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp hiệu quả giữa các cấp, ngành. Qua thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện sai phạm, đồng thời cảnh báo công khai các loại thực phẩm không an toàn, những đơn vị thiếu uy tín trong cung cấp thực phẩm. Đối với các cơ sở giáo dục, cần thường xuyên rà soát quy trình tổ chức bữa ăn học đường; định kỳ tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức dinh dưỡng, quy định pháp luật cho những nhân viên đứng bếp…

Đặc biệt, trong trường học, với những việc cụ thể hơn, trách nhiệm phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh về bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn học đường phải ngày càng chặt chẽ. Trong đó, việc chủ động công khai thực đơn, đơn vị cung ứng thực phẩm cần được thực hiện bằng nhiều biện pháp như trên trang thông tin điện tử của nhà trường (nếu có), thông báo định kỳ, thường xuyên bằng văn bản để ban đại diện phụ huynh học sinh biết, giám sát…

Đáng mừng, công tác quản lý an toàn thực phẩm học đường đã được các cấp, ngành thành phố Hà Nội kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ. Hơn hết là sự chủ động phối hợp vào cuộc, giám sát chất lượng bữa ăn học sinh của các nhà trường và phụ huynh. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà Hà Nội chủ quan với công tác quan trọng này.

Hơn lúc nào hết, vì sức khỏe toàn dân, vì tương lai giống nòi, điều tất cả chúng ta mong mỏi là duy trì tốt việc tiếp cận, sử dụng thực phẩm sạch, những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Do đó, việc vận hành các bếp ăn tập thể và cung cấp suất ăn an toàn thực phẩm ở các cơ quan, đơn vị, trường học không phải là câu chuyện của riêng ai, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm của toàn xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.