An toàn thực phẩm

An toàn hơn cho bếp ăn trường học

Xuân Lộc 27/08/2024 - 08:04

Trước thềm năm học mới 2024-2025, cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tăng cường tổ chức tập huấn hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học.

Qua đó, nâng cao năng lực quản lý và thực hành đúng về bảo đảm an toàn thực phẩm cho các đơn vị sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm; cũng như phòng, chống ngộ độc cho học sinh.

attp.jpg
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội xét nghiệm nhanh khay đựng thức ăn cho học sinh tại một trường học trên địa bàn huyện Mỹ Đức. Ảnh: Lưu Thu

Khắc phục những tồn tại

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 4 nghìn bếp ăn tập thể trường học. Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm bếp ăn trường học luôn được đẩy mạnh. Qua kiểm tra, ý thức phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể các trường học được nâng cao hơn. Đa số các trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng bếp ăn theo nguyên tắc một chiều. Tuy nhiên, có những bếp ăn vẫn còn một số tồn tại như: Điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp; thiếu biện pháp phòng, chống côn trùng; chế độ vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân chưa đúng quy định… Cùng với đó, nguồn gốc nguyên liệu đưa vào bếp ăn có nơi chưa rõ ràng; người sản xuất, chế biến, kinh doanh không được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, trước thềm năm học mới 2024-2025, các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực quản lý và kiến thức thực hành cho các nhà trường, đơn vị sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Với vai trò giảng viên của lớp tập huấn cho hơn 100 học viên là đại diện ban giám hiệu các trường học, cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm tại bếp ăn bán trú của các trường học trên địa bàn quận Hà Đông, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Lê Thị Hằng cho biết, ngộ độc thực phẩm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chi phí điều trị của mỗi cá nhân, mà còn gây tổn thất cho Nhà nước về các chi phí điều tra, xét nghiệm nguyên nhân gây ra ngộ độc...

“Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho học sinh, các bếp ăn tập thể trường học cần tuân thủ các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm từ khâu sơ chế, chế biến, đến bảo quản và sử dụng thực phẩm. Bên cạnh những kiến thức thực hành, qua các lớp tập huấn, cán bộ, nhân viên của các nhà trường còn được giải đáp cặn kẽ về việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm và Luật An toàn thực phẩm như: Hồ sơ, trình tự thủ tục công nhận bếp ăn tập thể bảo đảm an toàn thực phẩm; các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm…”, bà Lê Thị Hằng nói.

Mới đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nghiệp vụ về quản lý an toàn thực phẩm cho các trường có bếp ăn bán trú. Tại đây, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã hướng dẫn quy định về khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; về vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ; cách sử dụng và bảo quản thực phẩm…

Không để "lọt" thực phẩm mất an toàn

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng Trần Thị Phương Anh, hằng năm, các lớp tập huấn được tổ chức đã cung cấp các kiến thức, cập nhật những quy định mới về bảo đảm an toàn thực phẩm cho các nhà trường, đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh. Từ việc hiểu đúng, sẽ giúp họ thực hành đúng, tuân thủ đúng các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể trường học.

Cùng với việc tập huấn, hướng dẫn thực hành các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Văn Chiến cũng yêu cầu Phòng Y tế và Phòng Giáo dục và Đào tạo của quận phối hợp đánh giá năng lực của các đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn cho các nhà trường và hoàn thành trước năm học mới. Mặt khác, cơ quan chức năng của quận tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất các bếp ăn tập thể, căng tin trường học và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống xung quanh cổng trường học theo phân cấp. Qua kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm và công khai để người dân biết. Tuyệt đối không để các cơ sở cung cấp thực phẩm không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm đưa vào trường học.

“Giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường… Riêng với các nhà trường cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa lồng ghép về an toàn thực phẩm phù hợp với từng nhóm tuổi để qua đó mỗi học sinh biết cách tự phòng tránh ngộ độc thực phẩm”, ông Phạm Văn Chiến lưu ý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
An toàn hơn cho bếp ăn trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.