(HNM) - Sáng 26-11, trong hơn 3 giờ đồng hồ tiếp xúc với cử tri quận 1 TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết của bà con, đồng thời có những phát biểu hết sức chân thành và rất đáng phải suy nghĩ.
Việc người dân vô cùng bức xúc trước vấn nạn tham nhũng của đất nước trong thời gian vừa qua là không mới, tuy nhiên theo Chủ tịch nước: "Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây là việc làm cụ thể hết sức hệ trọng trong tổng thể hệ thống giải pháp về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của đất nước. Nghị quyết Trung ương 4 cũng đã đề cập rất rõ vấn đề này. Việc này nếu làm tốt, làm đúng đắn thì chắc chắn sẽ xoay chuyển tình thế". Như vậy, vấn đề ở đây là không chỉ cần có cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể trong việc phòng, chống nạn tham nhũng, mà kết quả của công việc này còn phụ thuộc vào ý thức, thái độ trách nhiệm của từng cử tri, của từng người dân. Đây chính là hai mặt của vấn đề. Vấn nạn tham nhũng với những hệ lụy kéo theo của nó là điều mà không một con người có lương tri nào chấp nhận được. Song việc từng người có dám thẳng thắn đấu tranh với những hành vi tiêu cực, tham nhũng hay không thì rõ ràng trên thực tế còn rất nhiều hạn chế. Mọi cử tri và người dân đều có trách nhiệm trong việc giám sát, phản biện cơ chế quản lý, điều hành của đất nước từ những vấn đề thuộc về nguyên tắc tới việc thực thi của những tổ chức, cá nhân cụ thể. Tuy nhiên có thể thấy trong thực tế, vai trò giám sát, phản biện của cử tri và người dân chưa phát huy hiệu quả.
Qua nhiều ý kiến phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri cho thấy, dù có phát hiện những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, nhưng không phải ai cũng dám nói ra sự thật, một phần vì sự e dè, nể nang, phần khác vì tâm lý lo ngại trù dập, thậm chí là nhằm "dĩ hòa vi quý" để bảo vệ cái ghế mình đang ngồi. Thẳng thắn đi sâu phân tích những nguyên nhân đó, Chủ tịch nước kết luận "làm gì cũng sợ hết thì chịu thôi". Nhưng rõ ràng từ xưa tới nay việc người ngay sợ kẻ gian, cái ác thắng cái thiện là điều không thể chấp nhận được trong bất cứ xã hội nào. Từ quan điểm đó để nhìn nhận việc chỉ ra những "địa chỉ" cụ thể của nhóm lợi ích, theo Chủ tịch nước, đây là câu hỏi không khó nếu nhìn thẳng vào sự thật. Quan trọng là phải có sự hiểu biết, đồng thời phải có trí và dũng. Điều đó cũng cho thấy trọng trách cả mỗi cá nhân đối với chế độ, đối với sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng có không ít những ông A, bà B nhận được sự tín nhiệm rất thấp của tập thể, song vì "dây mơ rễ má", vì những lý do… tế nhị hoặc vì đó chỉ là… "một kênh để tham khảo" mà họ vẫn có thể leo cao, luồn sâu trong bộ máy công quyền. Đó là điều không thể chấp nhận, và hậu quả của nó không chỉ là trước mắt. Tuy nhiên, như Chủ tịch nước dẫn chứng lời nhận xét của một cử tri đã nói: "Các vị làm gì chúng tôi đều biết cả". Logic của vấn đề là ở chỗ đó; trách nhiệm giám sát của cử tri, của người dân là ở chỗ đó và quan trọng là phải thổi bùng lên được vai trò của từng cá nhân trong xã hội đối với cộng đồng, lợi ích chung luôn phải đặt trên lợi ích riêng. Theo Chủ tịch nước, nếu chúng ta không bắt đầu từ việc nhỏ, việc cụ thể và làm dần dần thì chúng ta không thể đi đến đích. Do đó, để đất nước phát triển vững chắc và thực sự lấy dân làm gốc thì mỗi cử tri cần đóng từng viên gạch được kết tinh cả bằng trách nhiệm và tư duy để xây dựng nền móng xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.