Chiều 6-12, tại Hội trường UBND thị xã Sơn Tây, Đoàn đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử số 7, gồm các ông, bà: Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Trần Việt Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thực hiện tiếp xúc cử tri các huyện, thị xã: Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Trần Việt Anh báo cáo với các cử tri về nội dung kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; thông tin kết quả trả lời của các cơ quan có thẩm quyền về những kiến nghị của cử tri tại các kỳ tiếp xúc lần trước; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động năm 2024 của đại biểu Quốc hội ứng cử tại đơn vị bầu cử.
Tại hội nghị, cử tri Phạm Thị Hạnh, phường Lê Lợi (thị xã Sơn Tây) phản ánh, hiện các quận nội thành Hà Nội bị quá tải về dân cư, môi trường ô nhiễm nặng, đề nghị Chính phủ, thành phố Hà Nội có chính sách hỗ trợ di dời các trường đại học, bệnh viện ra vùng ngoại thành.
Cử tri Trương Thị Thanh Huyền, phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) cho rằng, trên địa bàn thị xã có 3 đơn vị: Trung tâm Kỹ thuật chỉnh hình (Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có diện tích đất rộng, nhưng sử dụng không hiệu quả, nhiều khu đất bị bỏ hoang hóa. Một số diện tích đất giao cho các hộ dân đã xây nhà ở ổn định, hoặc chuyển nhượng qua nhiều chủ sử dụng, nhưng đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét, bàn giao lại các khu đất này cho địa phương để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế, xã hội cũng như giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho những hộ đã được giao đất.
Còn cử tri Đỗ Văn Cửu, phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) cho biết, từ năm 2017, địa bàn thị xã được thực hiện dự án cải tạo tiếp nước sông Tích, nhưng đến nay, người dân thấy không tiếp tục thi công. Cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội phản ánh tới cấp có thẩm quyền về việc dự án này có được thực hiện tiếp hay không, để những hộ dân liên quan đến dự án không bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Hữu Mậu, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) đề nghị các bộ, ngành và thành phố Hà Nội quan tâm về chế độ, chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội đối với cán bộ cấp xã.
Cử tri Khuất Quang Cảnh (huyện Phúc Thọ) đề nghị Chính phủ ban hành quy định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại sau thiên tai, dịch bệnh, do mức hỗ trợ theo Nghị định này quá thấp so với đầu tư sản xuất hiện nay. Ngoài ra, các mô hình công nghệ cao, những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, như cây cảnh, cây công trình, chim cút… chưa có định mức hỗ trợ. Cử tri cũng đề nghị đại biểu Quốc hội kiến nghị với Chính phủ xem xét, rà soát tổng thể về tiêu thoát nước trên sông Tích và sông Đáy, nhằm bảo đảm đời sống cho nhân dân, không bị ngập lụt khi mưa lũ xảy ra.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đã giải đáp, trả lời ý kiến cử tri nêu về những vấn đề thuộc thẩm quyền, liên quan thực hiện dự án tiếp nước sông Tích, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thoát lũ...
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đã tiếp thu, giải đáp một số ý kiến cử tri nêu, đồng thời cho biết, sẽ tổng hợp các kiến nghị của cử tri nêu tại hội nghị để báo cáo Quốc hội và cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.