(HNM) - Thời điểm này, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang tăng tốc sản xuất, dự trữ hàng Tết Nguyên đán 2019.
Chuẩn bị tốt hàng thiết yếu
Bà Nguyễn Thị Ngọc, người dân ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Mỗi năm, khi Tết đến, những người thu nhập thấp như chúng tôi lại rất lo chuyện tăng giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, bánh, kẹo. Ở huyện Bình Chánh cũng có điểm bán hàng bình ổn giá nên người dân tìm đến mua sắm rất đông. Tôi mong năm nay sẽ có thêm nhiều điểm bán hàng lưu động, các hội chợ hàng Tết để người dân được mua sắm với giá ưu đãi".
Vissan cam kết sẽ cung cấp đủ thực phẩm tươi sống và chế biến phục vụ Tết Nguyên đán 2019. |
Để không xảy ra tình trạng cung không đủ cầu, tăng giá vào dịp Tết, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, chủ động nguồn hàng dự trữ, đưa ra thị trường đúng thời điểm mua sắm lớn nhất trong năm. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ba Huân cho biết, với tháng cao điểm Tết, công ty sẽ tăng công suất nhà máy tại TP Hồ Chí Minh lên 185.000 quả trứng/giờ và nhà máy tại Hà Nội lên 65.000 quả trứng/giờ để đủ cung ứng ra thị trường. Dự kiến hàng Tết năm nay của công ty sẽ tăng 30% so với năm ngoái.
Vào dịp Tết Nguyên đán, hàng chế biến công nghiệp và nông sản tươi sống là những nhóm hàng thiết yếu có sức mua tăng đột biến. Vì thế, ngay từ giữa năm 2018, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã chuẩn bị nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa phục vụ Tết. Đối với thị trường Tết năm nay, công ty dự kiến tăng sản lượng 15-20% so với cùng kỳ, trong đó thực phẩm tươi sống đạt 3.200 tấn và thực phẩm chế biến đạt 2.800 tấn. Tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt Tết là 800 tỷ đồng.
Theo dự báo trong dịp Tết Nguyên đán 2019, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ tiêu thụ khoảng 18.500 tấn bánh, mứt, kẹo, các loại hạt. Các công ty bánh, kẹo năm nay tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có những mức giá khác nhau. Nhiều nhà sản xuất đưa ra thị trường những dòng sản phẩm dành riêng cho Tết với bao bì bắt mắt. Đặc biệt, các sản phẩm dùng làm quà biếu, tặng được các nhà sản xuất như Kinh Đô, Bibica chú trọng đầu tư thiết kế sớm.
Vào thời điểm cận Tết, dự kiến lượng hàng nông sản nhập về các chợ đầu mối tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày. Ở lĩnh vực đồ uống, các nhà máy bia cũng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường, không tăng giá bán. Năm nay, các đơn vị sản xuất dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh khoảng 42,2 triệu lít bia và 48,5 triệu lít nước giải khát/tháng Tết, tăng khoảng 30% so với tháng bình thường...
Cam kết không tăng giá
Từ đầu năm đến nay, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tương đối ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố thấp hơn bình quân cả nước. Riêng đối với hàng Tết Nguyên đán 2019, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Công Thương thực hiện chương trình bình ổn thị trường, ưu tiên cho doanh nghiệp vay vốn để sản xuất hàng hóa. Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: "Các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng hàng cho 2 tháng cuối năm với số tiền là 18.424 tỷ đồng, tăng 612,7 tỷ đồng (3,44%) so với nguồn vốn chuẩn bị hàng Tết Mậu Tuất 2018. Trong đó, giá trị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.532 tỷ đồng”.
Năm 2018 có 90 doanh nghiệp tham gia sản xuất, phân phối hàng bình ổn giá, trong đó có bình ổn hàng Tết Nguyên đán. Đó là các đơn vị sản xuất cung ứng các mặt hàng chủ lực như: Trứng gia cầm Ba Huân, thịt gia súc Vissan, bún phở Bình Tây, thịt gia cầm San Hà, rau củ Phước An... Bên cạnh đó còn có các đơn vị chủ lực về hoạt động phân phối là Saigon Co.op, Satra, Big C, Aeon Citimart, Lotte. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn hàng Tết sẽ cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Đồng thời, các doanh nghiệp này sẽ thực hiện chính sách giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: Thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm.
Để bảo đảm kinh doanh hàng Tết đúng chất lượng, tránh trà trộn hàng giả, hàng nhái, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho Sở Công Thương thành phố phối hợp với UBND 24 quận, huyện, các lực lượng chuyên ngành cùng với Trưởng ban Quản lý các chợ truyền thống vận động tiểu thương, người kinh doanh cam kết 100% không kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc. Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý các chợ truyền thống tăng cường công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, tuyên truyền để tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn, đặc biệt là với các nhóm hàng thiết yếu.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp mua sắm Tết, Sở Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) bán hàng lưu động, tổ chức các phiên chợ Tết để đưa hàng hóa phục vụ người dân tại các quận ven, huyện ngoại thành và công nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.