(HNMO) - Trong 9 tháng đầu năm 2015, các thành viên Ban chỉ đạo 389 TP Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý hơn 15.000 vụ vi phạm hàng hóa, trung bình mỗi ngày phát hiện gần 56 vụ.
Sáng nay (5-10), UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp với các thành viên Ban chỉ đạo 389 thành phố tổng kết công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại 9 tháng đầu năm, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm.
Từ nay đến giáp Tết Nguyên đán, hàng lậu, hàng giả sẽ diễn biến phức tạp hơn. |
Theo Ban chỉ đạo 389 TP Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2015, các thành viên đã phát hiện và xử lý 15.109 vụ vi phạm, trong đó có 2.680 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; gần 12.000 vụ gian lận thương mại và 467 vụ hàng giả. Thu nộp ngân sách nhà nước trên 2.333 tỷ đồng (phạt hành chính trên 715 tỷ đồng; truy thu thuế 1.593 tỷ đồng; bán hàng tịch thu trên 24 tỷ đồng). Khởi tố hình sự 124 vụ, với 140 đối tượng vi phạm.
Tang vật tạm giữ gần 32 kg cocain; 16 kg ma túy tổng hợp; 418.586 viên, lọ tân dược gây nghiện; 30 kg tiền chất; trên 1 triệu bao thuốc lá ngoại; trên 5.000 chai rượu ngoại; trên 247 tấn đường; 441 tấn thực phẩm đông lạnh; trên 828 tấn hóa chất; gần 400 máy tính xách tay; trên 1.800 máy tính bảng; 7.000 điện thoại di động và điện thoại để bàn…
Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh, trong thị trường nội địa, tình hình buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả diễn biến phức tạp, đặc biệt là mặt hàng tiêu dùng. Còn nhiều cửa hàng, công ty kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ… cũng gia tăng.
Trong lĩnh vực hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn biến phức tạp, các hành vi vi phạm đa dạng với nhiều thủ đoạn và phương thức rất tinh vi. Mặt hàng vi phạm tập trung vào các loại hàng tiêu dùng, ô tô các loại, kim khí điện máy, hàng điện tử cao cấp, hàng bách hóa xuất xứ Trung Quốc…
Đối với mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu được vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh bằng cả đường thủy và đường bộ, các đối tượng buôn lậu sử dụng thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 1.600 vụ, thu nộp ngân sách trên 9 tỷ đồng, tịch thu trên 1 triệu gói thuốc lá điếu.
Phát biểu tại cuộc họp, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, các vụ án lớn, trị giá cao là nhập lậu xe ô tô cao cấp lợi dụng chính sách miễn thuế của Việt kiều hồi hương, trốn thuế; buôn lậu điện thoại di động cũng khá nóng và phố biến. “Các hãng điện thoại di động mỗi lần có loại hàng mới, bán ở nước ngoài, ngay lập tức ở Việt Nam có hàng lậu bán trên thị trường”, Thiếu tướng Phan Anh Minh dẫn chứng.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, 3 tháng cuối năm, hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển mạnh nên tiềm ẩn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả. Chính vì vậy, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải được thực hiện thường xuyên liên tục, đi vào chiều sâu; trong đó, chú ý đến công tác tuyên truyền, vận động đấu tranh, đây là khâu then chốt quan trọng.
“Đối với hàng gian, hàng giả cần phải nêu tên những doanh nghiệp vi phạm, mặt hàng bị làm giả, hàng lậu để người tiêu dùng nhận biết, răn đe các đơn vị sản xuất kinh doanh không chân chính. Không có vùng cấm trong công tác chống buôn lậu, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm”, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.