Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm dẹp hàng giả, hàng lậu

Phạm Thanh - Anh Ngọc| 27/03/2023 07:18

(HNM) - Các lực lượng chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh đã đồng loạt ra quân kiểm tra và phát hiện các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng lậu. Đây là một trong những quyết tâm của cơ quan chức năng thành phố nhằm dẹp hàng giả, hàng lậu.

Đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã ra quân kiểm tra hàng chục cửa hàng trên nhiều quận, huyện của thành phố, qua đó phát hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh với những lỗi chủ yếu là vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hóa đơn, chứng từ và niêm yết giá.

Điển hình, trong tháng 3-2023, lực lượng quản lý thị trường, kiểm tra 16 địa điểm kinh doanh gồm: Quận 1, 3, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Các tổ công tác đã phát hiện tới 11 vụ kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như: Nike, Adidas, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Burberry, Rolex...

Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hồ Chí Minh) mới triệt phá vụ vận chuyển, tàng trữ lượng lớn hàng hóa vi phạm các mặt hàng mỹ phẩm, thời trang… trị giá ước tính 1,5 tỷ đồng, tại quận Tân Phú do Phạm Trí Nguyện (sinh năm 1984) làm chủ.

Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh Trần Giang Khuê cho biết: “Công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái… gặp rất nhiều cam go do website giả, trang thương mại điện tử bán hàng giả, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… bán hàng thật, hàng giả lẫn lộn với nhau khó có thể nhận diện”.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Viết Hồng nhận định, có nhiều nguyên nhân để hàng nhái, hàng giả tràn lan, trong đó đặc biệt là mức xử phạt hành chính quá nhẹ. Do vậy, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, siết chặt cơ sở pháp lý để đưa các vụ liên quan hàng giả, hàng nhái ra xử lý hình sự nhằm răn đe.

“Người tiêu dùng cũng có phần trách nhiệm vì tiếp tay mua hàng giả mạo. Về phía doanh nghiệp, vẫn chưa chủ động bảo vệ quyền lợi của mình, xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, kiểu dáng thông qua đăng ký bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc quốc tế. Ngoài ra, các cơ quan chuyên trách như quản lý thị trường, hải quan cửa khẩu, công an… cần chủ động phối hợp để nâng cao hiệu quả chống hàng giả, hàng nhái”, ông Nguyễn Viết Hồng khuyến nghị.

Còn Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh Trương Văn Ba cho biết, Cục tiếp tục tăng cường kiểm soát tại các khu vực ga đường sắt, các tuyến từ đường biển, đường sông, đường hàng không và các khu vực tập kết hàng hóa, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại... Đặc biệt, phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng kiểm soát viên quản lý địa bàn, gắn trách nhiệm người đứng đầu, từ đó, nâng cao năng lực công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

“Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân không tham gia, không tiếp tay buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng hóa kém chất lượng; phát hiện, tố giác cho các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật”, ông Trương Văn Ba thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm dẹp hàng giả, hàng lậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.