Ngày 23-10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan ngênh lệnh ngừng bắn mà các bên đối địch tại Libya vừa ký kết, coi đây như một bước tiến lớn hướng tới hòa bình.
Ông Guterres nói: "Đây là một bước đi cơ bản hướng tới hòa bình và ổn định tại Libya. Tôi hoan nghênh việc các bên ở Libya ký kết thỏa thuận ngừng bắn tại Geneva ngày hôm nay, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc".
Trước đó cùng ngày, hai bên tham chiến tại Libya đã ký kết một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài do Liên hợp quốc làm trung gian, sau 5 ngày đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ).
Thỏa thuận trên đạt được sau các cuộc đàm phán giữa đại diện quân sự của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế ủng hộ và đại diện của lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) đặt trụ sở ở miền Đông nước này.
Xung đột tại Libya tiếp tục là một trong những cuộc xung đột vũ trang phức tạp nhất trên thế giới hiện nay. Từ năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng.
GNA kiểm soát thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, LNA hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông, được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập ủng hộ.
Theo Liên hợp quốc, trong 6 tháng đầu năm 2020, hơn 350 dân thường đã thiệt mạng hoặc bị thương trong các cuộc giao tranh tại Libya, tăng 173% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, hơn 400.000 người bị mất nhà cửa kể từ tháng 4-2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.