Ngày 22-3 (rạng sáng 23-3 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh rút lại vòng trừng phạt mới nhất nhằm vào Triều Tiên do Bộ Tài chính nước này ban bố trước đó cùng ngày.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai ở Hà Nội ngày 28-2-2019. Ảnh: CNN |
Trên trang mạng cá nhân Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ: “Sắc lệnh (trừng phạt) do Bộ Tài chính Mỹ ban bố ngày sẽ bổ sung thêm những đòn trừng phạt đã có nhằm vào Triều Tiên. Tôi ra lệnh rút lại những biện pháp trừng phạt bổ sung này”. Chưa rõ “các lệnh trừng phạt bổ sung” mà Tổng thống Trump đề cập là những biện pháp nào.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố, nước này đã áp đặt trừng phạt hai công ty tàu biển của Trung Quốc với cáo buộc "hỗ trợ Triều Tiên né tránh các lệnh trừng phạt của Washington", đồng thời đưa ra một bản danh sách tư vấn cập nhật về 67 tàu thuyền liên quan tới các giao dịch xăng dầu hoặc được cho là đã nhập than của Triều Tiên.
Hai công ty của Trung Quốc là Công ty TNHH quốc tế Đại Liên Haibo và Công ty TNHH Giao nhận quốc tế Liêu Ninh Danxing bị phong tỏa tất cả các tài sản ở Mỹ và không được phép tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ. Các cá nhân và công ty làm ăn với hai công ty này có thể phải đối mặt với các hình phạt của Mỹ.
Đây là những biện pháp trừng phạt đầu tiên được Mỹ áp đặt kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai diễn ra cuối tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, đây chỉ là thực thi các biện pháp trừng phạt chứ không phải là gia tăng sức ép đối với Triều Tiên. Ông Mnuchin khẳng định, Mỹ và các đối tác vẫn cam kết đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời tin rằng, việc thực thi đầy đủ các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên "là quan trọng để đạt kết quả thành công".
Trong nhiều năm qua, Mỹ và Liên hợp quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với Triều Tiên, cấm vận chuyển hoặc bán công nghệ, các mặt hàng cao cấp, nhiên liệu và các thiết bị quân sự cho quốc gia này.
Cũng trong ngày 22-3, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Lee Do-hoon khi được hỏi liệu đã có các cuộc tham vấn về việc tăng cường trừng phạt đối với Bình Nhưỡng hay chưa, ông Lee cho rằng, chưa đến lúc thảo luận về vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh "điều quan trọng nhất là tiếp tục đối thoại, thay vì gây sức ép".
Sự hoài nghi về tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên gia tăng sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận như mong đợi. Mới đây nhất, Triều Tiên đã thông báo quyết định rút khỏi Văn phòng liên lạc chung liên Triều đặt ở thành phố biên giới Kaesong. Seoul sau đó đã bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định này, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng sớm quay lại để văn phòng có thể tiếp tục hoạt động theo thỏa thuận của hai bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.