Sáng 13-2 (tức mùng 4 Tết Giáp Thìn 2024), trong không khí phấn khởi của những ngày đầu xuân mới, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đến dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế, tiên hiền tại Điện Kính Thiên, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Thủ đô Hà Nội.
Tham gia đoàn có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Đào Đức Toàn, Trợ lý - Phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư; cùng cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư và thành phố Hà Nội.
Trong không khí thiêng liêng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu đã thành kính dâng hương, cẩn cáo trước anh linh các bậc tiên đế, tiên hiền về những kết quả bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước; cầu mong cho non sông đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Trò chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là nơi ghi dấu lịch sử nghìn năm, hội tụ hồn thiêng sông núi, tinh hoa văn hóa dân tộc, nơi các triều đại kế tiếp nhau mở mang nghiệp nước, xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc, bồi đắp truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời của dân tộc, lưu truyền đến thời đại Hồ Chí Minh ngày nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, mỗi cán bộ, nhân viên của Trung tâm phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, góp sức mình gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và của Thăng Long - Hà Nội, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của Hoàng thành Thăng Long đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới; để mỗi khi nói đến Thủ đô Hà Nội, trong lòng mỗi người con đất Việt đều xúc động, tự hào về mảnh đất nghìn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, Thành phố Vì hòa bình và "dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội".
Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 thời Lê, trên nền Điện Càn Nguyên thời Lý, Điện Thiên An thời Lý - Trần. Đến thời Nguyễn, vua Gia Long cho xây dựng một tòa thành mới; Điện Kính Thiên thời Lê vẫn là trung tâm của khu Hành cung thời Nguyễn, mặc dù quy mô đã thu hẹp hơn trước. Năm 1841, nhà Nguyễn đổi tên là Điện Long Thiên.
Thềm rồng phía trước Điện Kính Thiên được tạo tác năm 1467 thời vua Lê Thánh Tông, từ Đông sang Tây dài 13m, tạo thành 3 lối lên xuống. Lối chính giữa dành cho vua đi, hai bên dành cho quần thần. Đôi rồng ở giữa được tạo tác theo phong cách tả thực, bằng đá nguyên khối. Hai bên là rồng cách điệu vân mây, biểu tượng cho vũ trụ và trời đất. Thềm rồng phía sau được tạo tác khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Hai bên thành bậc trang trí hoa sen, uyên ương, sóng nước, mây lửa, đao mác, cá hóa rồng rất trau chuốt, tinh xảo. Đây là những di vật vô cùng quý giá, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, khơi dậy nguồn lực văn hóa tạo động lực phát triển du lịch, dịch vụ. Trong đó, Hà Nội đã và đang triển khai kế hoạch nhằm tái hiện Điện Kính Thiên, phát huy hơn nữa giá trị to lớn của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, tạo thành điểm đến hấp dẫn cho đồng bào trong nước và khách quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.