(HNM) - Tuyển tập thơ của các tác giả xuất hiện trong giai đoạn chống Mỹ đang được Hội Nhà văn Việt Nam gấp rút chuẩn bị để có thể ra mắt bạn đọc vào đầu tháng 8-2014. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn nhà thơ Vũ Quần Phương - thành viên Ban tuyển chọn - về việc chuẩn bị cho ấn phẩm ý nghĩa này.
- Xin nhà thơ chia sẻ thông tin về ấn phẩm này?
- Tuyển tập là một trong những công trình hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tuyển tập gồm các bài thơ tiêu biểu của các tác giả xuất hiện trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nghĩa là từng có thơ đăng trong khoảng thời gian từ năm 1964 đến 1975. Mốc thời gian năm 1964 là thời điểm Mỹ ném bom mở rộng chiến tranh ra cả nước và năm 1975 là dấu mốc chiến tranh kết thúc. Ban đầu, Ban tuyển chọn dự định tuyển chọn mỗi tác giả khoảng 3 bài, tuy nhiên, nếu lựa chọn đồng đều thì sẽ không bảo đảm tiêu chí về chất lượng. Số lượng tác phẩm được chọn của mỗi tác giả sẽ không giống nhau, tùy vào mức độ phổ biến của các tác phẩm trong cuộc sống. Như vậy, sẽ có nhà thơ được chọn tới 7 - 8 bài và có người chỉ được chọn 1 bài.
- Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lùi xa gần 40 năm, tại sao cho đến giờ chúng ta mới có một tuyển tập về những nhà thơ thời kỳ chống Mỹ?
- Từ sau năm 1975 đã có nhiều tuyển tập thơ, trong đó có các tác phẩm tuyển thơ của lớp nhà thơ chống Mỹ. Nhưng, với tuyển tập này, bạn đọc sẽ thấy đầy đủ hơn về sự phát triển gần như trọn đời của từng tác giả, vì đến nay tuổi của họ đã từ trên 60 tới 80 rồi.
- Với một thế hệ nhà thơ hùng hậu trong thời kỳ này, hẳn đây sẽ là một tuyển tập đồ sộ?
- Ban tuyển chọn tuyển tập thơ giai đoạn chống Mỹ gồm 8 người: Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Ngô Thế Oanh, Trần Nhuận Minh, Thanh Thảo, Thi Hoàng đã làm việc trong nhiều tháng nay. Chúng tôi vẫn đang phân vân giữa hai phương án. Nếu in tác phẩm của gần 200 tác giả thì tập thơ sẽ dày, nặng, bạn đọc khó mua. Nhưng nếu chọn ít tác giả hơn, độ dày sách khoảng vài trăm trang thì sẽ chọn thế nào?
- Nhà thơ có suy nghĩ gì về âm hưởng thơ ca trong kháng chiến chống Mỹ?
- Nền thơ thời kỳ chống Mỹ sản sinh ra lực lượng nhà thơ rất hùng hậu. Trong chiến tranh, thơ đậm cảm xúc về lý tưởng, về sự hy sinh, về ý chí giành chiến thắng. Các mặt tình cảm khác tạm lắng xuống. Thơ khi ấy như lá thư của anh bộ đội gửi về gia đình, giấu đi thương tật, sự gian khổ của mình để mẹ cha, vợ con yên tâm. Thư của gia đình gửi người ra trận cũng thiên về niềm vui hậu phương, cho yên lòng người thân đang ở nơi ngày đêm đối diện với hòn tên mũi đạn. Nhưng ngay sau chiến tranh, các nhà thơ đã nhanh chóng bù đắp phần thiếu hụt đó, như có thể thấy ở trường ca của Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, thơ của Phùng Khắc Bắc... Ở tuyển tập này, chắc chắn các bài thơ viết sau chiến tranh nhiều hơn số bài trong chiến tranh. Gần bốn mươi năm hòa bình rồi, ở thời điểm này, tôi không thấy thơ phiến diện chút nào, có đủ cung bậc tình cảm, tâm trạng. Sự hay dở ở đời đều in dấu trong thơ.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.