Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Tôi vẫn đi đến khi còn có thể...”

Dương Linh| 21/07/2017 06:09

(HNM) - “Tôi sẽ vẫn còn đi. Đi cho đến khi còn có thể. Tâm nguyện của tôi là mong có nhiều sức khỏe để tìm được anh em, những người đồng chí đã cùng sống chết với tôi, để đưa họ về với quê hương, gia đình…”. Đó là lời tâm sự của cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hát, người đã lặng lẽ trong hơn 10 năm qua bỏ công bỏ việc, mải miết, lặn lội trở về chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa năm xưa, tìm hài cốt đồng đội.

Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hát chăm chút cho thư viện sách tổ dân phố Nguyên Xá 2, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm).


Băng rừng tìm mộ


Một buổi chiều, chúng tôi tìm đến nhà ông Hát ở tổ dân phố Nguyên Xá 2, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đón chúng tôi với nụ cười hồn hậu, người cựu chiến binh của Tiểu đoàn 24, Trung đoàn 241 năm xưa chậm rãi kể: “Tôi sinh năm 1953, gia nhập quân ngũ năm 19 tuổi, là lính trinh sát, chiến đấu ở Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày đó có hai người trong tiểu đội chúng tôi đã có vợ. Đêm ngày cùng nhau chiến đấu, điếu thuốc hút chung, bát cơm chia nửa, chúng tôi đã thề sống chết có nhau. Vậy mà, ngày hòa bình, tôi may mắn được trở về quê hương, xây dựng tổ ấm hạnh phúc, còn những đồng đội thì không còn nữa... Họ vẫn nằm đâu đó, vẫn chưa được về yên nghỉ trên mảnh đất quê nhà”. Nói đến đây, giọng ông Hát nhỏ lại, khuôn mặt đượm buồn...

Mở từng cuốn sổ ghi danh sách đồng đội đã hy sinh, những tấm bản đồ, những bản ghi chép mỗi lần đi tìm đồng đội, ông Hát giới thiệu chi tiết: “Những cuốn sổ này là tài sản vô giá của tôi, ghi lại địa chỉ của đồng đội, đánh dấu tỉ mỉ từng manh mối từ những chuyến đi tìm. Cuốn sổ này liệt kê những đồng đội cần tìm kiếm. Đây là cuốn nhật ký ghi rõ ngày, tháng đưa đồng đội về với gia đình và những tấm ảnh kỷ niệm”.

Bồi hồi nhớ lại một kỷ niệm, ông nói tiếp: “Cách đây hơn chục năm, vào năm 2006, khi trở lại thăm chiến trường xưa, gặp lại bạn bè đồng đội, tôi đau đáu khi biết tin còn rất nhiều đồng chí của mình vẫn còn nằm lại trong rừng ở vùng Thừa Thiên”.

Khi ấy ông Hát đang là Giám đốc Xí nghiệp 3, Công ty Đầu tư xây dựng bưu điện. Trăn trở nhiều đêm, ông quyết định xin nghỉ hưu sớm, khi mới 53 tuổi. “Viết đơn xin nghỉ hưu đến lần thứ ba tôi mới được cấp trên đồng ý. Tôi muốn dành thời gian, toàn tâm toàn ý với việc đi tìm đồng đội”.

Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy khó. Dù nhớ nơi đồng đội nằm nhưng dấu vết chiến trường xưa mất rồi, việc tìm kiếm như mò kim đáy bể. Trên chặng đường tìm mộ ấy, ông Hát nhớ nhất lần đi tìm hài cốt của 4 đồng đội là Nguyễn Xuân Kiểu (quê Hải Phòng), Nguyễn Quang Nhạ, Mai Công Nhau (Hải Dương) và Đỗ Văn Thế (Hà Nội) - những người cùng hy sinh năm 1972 và được chôn cất cùng một phần mộ nằm sâu trong rừng.

Ông Hát cùng một người địa phương thuê xe máy chạy đến bìa rừng, đánh dấu mốc rồi đi bộ hàng chục ki lô mét vào sâu trong rừng, lần mò qua từng con suối, từng gốc cây. Hết lần này đến lần khác đi như vậy mà vẫn không có manh mối gì. Có lúc nản lòng, muốn bỏ cuộc nhưng về nhà, nằm vắt tay lên trán lại không ngủ được vì trăn trở. “Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ bỏ cuộc vì tìm bao nhiêu lần đều không có dấu tích gì, nhiều phen lạc giữa rừng, nhưng cứ quay lưng là lại cứ như có ai đó níu chân không cho về. Tôi thắp hương thành kính nói với các anh là sẽ quay lại, nhất định sẽ tìm các anh về”.

Nhấp một ngụm trà, ông Hát kể tiếp: “Mất 5 năm, từ 2006 tới năm 2011, sau 9 lần đi tìm thì mới thấy phần mộ của 4 người. Khi tìm được rồi, lúc tôi cùng gia đình các anh đi từ trong rừng ra thì gặp cơn lũ. Vác trên vai hài cốt đồng đội, nước ngập ngang cổ, tưởng chừng không vượt qua được, nhưng có lẽ đồng đội đã thấu hiểu được sự vất vả nên đã phù hộ mọi người vượt qua cơn lũ, bình yên trở về”.

Sau lần đó, ông càng có thêm quyết tâm đi tìm đồng đội. Hơn 10 năm, 24 lần ông Hát tay cầm dao phát rừng tìm lối đi, đêm ngủ lại nơi rừng sâu. Khi tìm ra mộ đồng đội là báo cho gia đình đón các anh trở về. Với bao vất vả, ông Hát đã tìm và đưa được 16 đồng đội về an nghỉ ở quê nhà. Phần lớn kinh phí đi lại đều do ông Hát tích cóp, dành dụm.

“May mắn là tôi được gia đình ủng hộ. Thỉnh thoảng người con trai cả hỗ trợ bố một ít để đi tìm các chú, các bác. Sau này, khi biết việc tôi làm, anh em bạn bè có hỗ trợ thêm”. Ông Hát nói, giọng rất đỗi tự hào.

Còn sức khỏe là còn đi...

Đến bây giờ, hằng năm vào ngày 17-7, ông Nguyễn Trọng Hát lại được các gia đình mời tới dự ngày giỗ chung của các đồng đội thuở nào. Thân tình như người trong gia đình vậy. Ông Đỗ Văn Thông, em trai liệt sĩ Đỗ Văn Thế chia sẻ: “Gia đình tôi luôn coi anh Hát như người anh trong gia đình. Nhờ có anh mà chúng tôi mới tìm được phần mộ của anh mình. Người như anh Hát thật đáng quý trọng!”.

Ấy vậy mà bà con hàng xóm rất ít người biết ông Hát đã bỏ việc đi tìm mộ đồng đội. Họ chỉ biết đến ông Hát bí thư chi bộ, người tổ trưởng dân phố Nguyên Xá 2 bình dị, nhiệt tình với công tác xã hội, chăm lo đời sống cho người dân.

Sau những ngày vượt suối, băng rừng ông Hát lại trở về làm nhiệm vụ của người tổ trưởng dân phố, ngày ngày đến nhà văn hóa đọc thông báo của chính quyền trên hệ thống loa truyền thanh, nhắc nhở bà con giữ gìn môi trường, an ninh trật tự khu dân cư… Cũng ít người biết rằng ông Hát còn bỏ công, bỏ của xây dựng thư viện sách cho tổ dân phố. Thư viện hiện có 2.300 cuốn sách, trong đó ông Hát góp 500 cuốn. Cứ cuối mỗi ngày, ông lại đi một vòng kiểm tra các sân chơi tập thể do ông đứng ra vận động xã hội hóa xây dựng để làm chỗ vui chơi thể thao cho người dân.

Người cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hát lúc nào cũng tràn đầy năng lượng sống, làm việc, giúp ích cho đời. Ở tuổi 65, bóng dáng tuổi tác đã hiện trên khuôn mặt, dáng đi của ông Hát nhưng chưa bao giờ ông thôi trăn trở về những đồng đội vẫn còn đang nằm lại nơi chiến trường xưa. Cuốn sổ ghi chép ngày một dày thêm, những chuyến đi tìm đồng đội của ông vẫn chưa dừng lại.

“Mỗi ngày tôi chạy hai ki lô mét để rèn luyện sức khỏe. Còn sức khỏe là tôi vẫn còn đi. Đi một lần không được thì đi lần thứ hai, lần thứ ba... Mỗi phần mộ tìm được không chỉ mang lại niềm vui cho thân nhân đồng đội, mà còn là niềm hạnh phúc của bản thân, lòng tôi cũng thanh thản. Mọi việc không phải để cân đong đo đếm, tôi làm là để tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Tôi vẫn đi đến khi còn có thể...”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.