Không chỉ hỗ trợ công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN, mạng lưới Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam các cấp còn nỗ lực huy động nguồn vốn xã hội hóa thực hiện hoạt động tri ân liệt sĩ, bao gồm việc tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân các gia đình liệt sĩ và con cháu liệt sĩ vượt khó học giỏi.
“Còn sống thì sẽ đi tìm nhau”
“Hòa bình rồi, sao đồng đội chưa về?/ Còn đâu đó, nơi cánh rừng ven suối/ Đồng đội ơi, nhớ lời thề năm ấy/ Còn sống thì sẽ đi tìm nhau”. Những câu thơ ấy của tác giả Lê Quý Hoàng - Phó Trưởng ban Tuyên truyền Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam sáng tác, được phổ nhạc với giai điệu da diết trong bài hát mang tên “Sáng mãi tri ân” khiến bất cứ ai nghe qua đều đặc biệt xúc động.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam chia sẻ: “Là đồng đội một thời chịu mưa bom bão đạn, những người lính chúng tôi đã thề “người đang sống phải tìm cách đưa người hy sinh trở về”. Nay, thật xót xa khi chiến tranh đã lùi xa nhưng nhiều bộ hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được quy tập, hơn nửa triệu liệt sĩ chưa được xác định danh tính, vẫn còn nhiều ngôi mộ gió nơi đảo xa, trên vách đá cheo leo, trên núi cao rừng rậm... Chính vì vậy, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam phải tập trung làm tốt công tác tri ân, “trả lại tên” cho liệt sĩ”.
Trong 13 năm qua, với nỗ lực không ngừng của các cựu chiến binh và nhân dân, theo số liệu tổng hợp đến hết năm 2023, mạng lưới Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam các cấp đã giám định ADN cho hơn 1.000 liệt sĩ, lấy mẫu phẩm của hơn 1.000 thân nhân liệt sĩ, trả kết quả đúng cho 494 liệt sĩ. Hội đã tiếp nhận, xử lý thông tin của hơn 200.000 liệt sĩ, tư vấn hỗ trợ để 33.000 gia đình tìm hài cốt. Đã có 200 gia đình tìm được hài cốt bằng phương pháp thực chứng. Hội còn giúp đính chính thông tin trên bia mộ cho hơn 1.000 liệt sĩ, giúp đỡ các gia đình khó khăn đưa hơn 1.200 hài cốt liệt sĩ về quê hương.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội và các tổ chức Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị, Ban quản lý nghĩa trang các tỉnh, thành, cùng thân nhân liệt sĩ đính chính thông tin trên bia mộ cho 125 liệt sĩ, hỗ trợ di chuyển 122 hài cốt liệt sĩ về quê hương. Một số hài cốt liệt sĩ là người Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam... được vận chuyển từ phía Nam ra bằng tàu hỏa (miễn phí).
Hội cũng đã tư vấn 939 lượt thân nhân liệt sĩ về chính sách và tìm mộ liệt sĩ, thông báo 3.510 thông tin liệt sĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp nhận 413 hồ sơ liệt sĩ, giải quyết 282 hồ sơ. Đặc biệt, mạng lưới Hội ở Thái Bình, Bình Phước, Hải Phòng, Văn phòng miền Trung đã phát hiện 10 mộ liệt sĩ ngoài nghĩa trang, đề nghị cơ quan chức năng quy tập. Hội cũng đã tiếp nhận 33 mẫu hài cốt liệt sĩ gửi đi giám định, đã làm giám định xong 16 mẫu, xác định đúng danh tính 4 liệt sĩ...
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng nhấn mạnh: “Chiến tranh đã kết thúc 49 năm, địa hình, cảnh vật đã thay đổi nhiều. Các cựu chiến binh nhiều người tuổi cao, sức yếu. Việc lấy mẫu phẩm hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn. Thậm chí, mẫu phẩm xét nghiệm ADN của thân nhân liệt sĩ cũng không dễ lấy, bởi nhiều liệt sĩ chưa có con, còn mẹ, dì... của liệt sĩ thì nhiều người đã qua đời. Khó khăn chồng chất nhưng chúng tôi luôn tâm niệm phải kiên trì, hễ còn sức thì còn tiếp tục đi tìm đồng đội. Phải huy động thật nhiều nguồn lực xã hội, tạo nguồn kinh phí để đẩy nhanh tiến trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, tăng cường xét nghiệm ADN và sử dụng phương pháp thực chứng để xác minh, đính chính danh tính, thông tin liệt sĩ. Mục tiêu là “trả lại tên” cho liệt sĩ, đưa các anh về đất mẹ yêu thương, góp phần giảm bớt những ngôi mộ gió, để danh sách 53 vạn liệt sĩ chưa biết tên ngắn lại”.
Đáng chú ý, được sự đồng ý của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Hội đã kết nối với Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) với mục đích tiếp cận tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Hội đã tham gia một số buổi đối thoại.
Đặc biệt, từ ngày 18-6 đến 30-6, Hội đã phối hợp với Viện Hòa bình Hoa Kỳ và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đón đoàn cựu binh Mỹ đến thăm Việt Nam và có các buổi gặp gỡ trao đổi với Hội tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn cựu binh Mỹ đã đi thực tế một số tỉnh. Trong chuyến thăm và làm việc, đoàn cựu binh Mỹ đã trao cho Hội 21 bộ hồ sơ về địa điểm mộ liệt sĩ tập thể tại Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương và Đồng Nai.
Tri ân bằng những việc làm thiết thực
Tổng hợp của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, mạng lưới tổ chức Hội các cấp đã vận động được hơn 12,8 tỷ đồng (đạt 2/3 số tiền vận động trong năm 2023) để tặng 42 nhà tình nghĩa, sửa chữa nâng cấp 16 nhà, tặng 27 sổ tiết kiệm, tặng 8.531 suất quà tới các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân liệt sĩ trong các dịp lễ tết, ngày kỷ niệm, tặng 145 suất học bổng cho con, cháu liệt sĩ vượt khó, khám cấp thuốc cho 613 lượt đối tượng chính sách. Đặc biệt, các cấp Hội cũng đã tặng 64 xe lăn cho thương binh, bệnh binh...
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam vừa phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin điện tử nhân đạo 1400 phát động Chương trình nhắn tin “Tri ân liệt sĩ” năm 2024 với chủ đề “Gọi tên những vì sao đất nước”, hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7. Chương trình được thực hiện đến 24h ngày 30-8-2024, với mục tiêu huy động được 3 tỷ 500 triệu đồng thông qua 2 hình thức ủng hộ.
Một là, nhắn tin ủng hộ theo truyền thống: Soạn “TALS” gửi 1405, mỗi tin nhắn tương đương 20.000 đồng.
Hai là, gửi số tiền ủng hộ vào tài khoản của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (số tài khoản 2707, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - MBBank).
Theo Trưởng ban Tuyên truyền Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam Đoàn Việt Phương, toàn bộ số tiền huy động được sẽ dành để hỗ trợ giám định ADN, xác định danh tính liệt sĩ cho 20 hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, tặng 10 nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, tặng 300 suất quà cho thân nhân các gia đình liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tặng 60 sổ tiết kiệm cho các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn...
Đặc biệt, hướng đến kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam sẽ phối hợp với Công ty Phát triển Truyền thông Văn hóa Việt Nam và Tạp chí Lao động xã hội tổ chức các chương trình tri ân liệt sĩ, trong đó có chương trình “Sống mãi với non sông”, dự kiến tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, có sự tham gia ủng hộ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Thông qua hoạt động này, các cựu chiến binh Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam mong mỏi thể hiện lòng tri ân một cách thiết thực, hiệu quả, đồng thời, giáo dục lòng biết ơn, góp phần làm thay công việc của liệt sĩ còn để lại trong việc chăm sóc gia đình thân nhân liệt sĩ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.