(HNMO) - Chiều 24-9, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại” nhằm nhìn lại những kết quả của Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đối với sự phát triển của Thủ đô; rút ra những bài học kinh nghiệm, những mô hình hay; đồng thời kiến nghị, đề xuất những giải pháp để tiếp tục triển khai có hiệu quả mục tiêu này trong thời gian tới.
17:08 24/09/2020
Phát biểu kết luận tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long cho biết, trong vòng 3 giờ, độc giả và các vị khách mời đã trao đổi hơn 20 câu hỏi trong hàng trăm câu hỏi mà độc giả trên cả nước đã gửi đến chương trình. Qua những câu trả lời của các vị khách mời, chúng ta không chỉ hiểu thêm những thay đổi đáng tự hào về diện mạo của Thủ đô sau 5 năm thực hiện Chương trình 06-Ctr/TU về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020” mà còn được thông tin về những sáng kiến hay, mô hình hiệu quả cũng như những bài học kinh nghiệm quý báu trong triển khai, thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng được lắng nghe các quý vị đại biểu đưa ra những kiến nghị, đề xuất để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình 06-Ctr/TU trong thời gian tới.
Tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, những vấn đề liên quan đến kết cấu hạ tầng đô thị, quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường sẽ tiếp tục là những nội dung quan trọng được thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ đột phá cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có một chương trình về phát triển đô thị và kinh tế đêm. Chính vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng, những cách làm sáng tạo, những giải pháp hữu ích được nêu ra tại tọa đàm sẽ đóng góp tích cực vào việc đề xuất những kế hoạch, mục tiêu, định hướng mang tính chiến lược nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị thế, vai trò là trung tâm đầu não chính trị của cả nước, là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực…
Tại cuộc tọa đàm hôm nay, các đại biểu tham dự đã có những chia sẻ thẳng thắn, thực sự tâm huyết và đầy tính thực tiễn cho sự phát triển của Thủ đô, đóng góp vào sự thành công của tọa đàm.
16:58 24/09/2020
Ông Hoàng Văn Sơn (quận Nam Từ Liêm) hỏi: “Những năm qua thành phố Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông đô thị. Phát triển diện tích đất dành cho giao thông đã có những cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Việc phát triển năng lực vận tải hành khách công cộng được tăng cường nhưng “lực hấp dẫn" để người dân sử dụng xe buýt vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, điều đó dẫn đến chưa hạn chế được việc sử dụng phương tiện cá nhân, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra. Vậy giải pháp khắc phục trong thời gian tới là gì?”
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: Liên quan đến phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội, Sở đã tham mưu triển khai thực hiện 2 đề án xuyên suốt triển khai thực hiện trong thời gian của nhiệm kỳ 5 năm tới cùng những giải pháp để triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Đó là các giải pháp về đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, đầu tư phát triển theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để phát triển bền vững, lâu dài; tăng cường công tác duy trì bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đổi mới hoạt động xe buýt, tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường, các phương tiện vận tải khối lượng lớn để thu hút người dân tham gia; tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông; tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm với giao thông vận tải.
Với vận tải hành khách công cộng, với trách nhiệm của ngành, Sở tiếp tục phối hợp với Tổng công ty Vận tải Hà Nội, đơn vị đầu ngành vận tải hành khách công cộng cùng các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng triển khai một số giải pháp như: Cải thiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng, kết nối phục vụ tốt người dân; đầu tư mới cải thiện đồng bộ hệ thống phục vụ vận tải hành khách công cộng như nhà chờ, điểm trung chuyển, làm sao người dân đi bộ từ 200- 500m là có thể tiếp cận được các bến xe buýt, điểm xe buýt; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt liên quan đến thẻ vé thông minh, vé điện tử dùng chung cho hành khách công cộng… Tất cả các giải pháp trên nhằm hướng tới phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trong thời gian tới.
16:55 24/09/2020
Bạn đọc Trần Quang Vinh (quận Hoàng Mai) hỏi: Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định, bên cạnh việc tiếp tục kế thừa và phát triển 8 chương trình công tác nhiệm kỳ của 2015-2020, có sửa đổi và bổ sung thêm một chương trình công tác lớn là "Chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025". Đề nghị đại diện quận Hoàn Kiếm, nơi được coi là vùng lõi của trung tâm thành phố nêu những kiến nghị, đề xuất?
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm: Với đặc điểm của quận, việc chỉnh trang đô thị là nhiệm vụ chúng tôi đã thực hiện trong nhiều năm qua như dự án chỉnh trang đoạn phố Lãn Ông (năm 2013), chỉnh trang 13 tuyến phố xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (năm 2016 và đầu năm 2017). Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh chính trang một loạt tuyến phố khác như Hàng Khay, Tràng Tiền, Tràng Thi…
Quận có nhiều công trình có giá trị kiến trúc cảnh quan mặt phố đan xen phức tạp về sở hữu bởi có sự sở hữu công tư, nhiều hộ dân sở hữu chung một mặt tiền của nhà. Việc chỉnh trang sẽ tạo cảnh quan chung cho tuyến phố; đồng thời chúng tôi quan tâm bảo tồn các giá trị di sản vật thể và phi vật thể…
16:47 24/09/2020
Bạn đọc Hoàng Tuấn Khanh (quận Thanh Xuân) hỏi: Thực tế, nguồn kinh phí của chúng ta chưa phải là dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như các công trình giao thông, các nhà máy xử lý rác thải, nước thải; chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ… chưa đạt yêu cầu đề ra. Đề nghị đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nêu những kiến nghị, đề xuất để có thể thực hiện hiệu quả cao nhất mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành đô thị văn minh, hiện đại?
Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội: Về các giải pháp, chúng tôi có một số kiến nghị cơ bản như: Hoàn thiện thể chế, nâng cao vai trò quản lý nhà nước; thực hiện quy hoạch đô thị Hà Nội giai đoạn 2021-2030; đầu tư hệ thống giao thông kết nối liên vùng, áp dụng công nghệ cao trong việc xây dựng bãi đỗ xe; phát triển các tuyến đường sắt đô thị, nâng cao năng lực vận tải Thủ đô; giải quyết các vấn đề về nước thải, từng bước cải thiện môi trường nước, nâng cao năng lực thoát nước; tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cây xanh; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý đô thị…
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, huy động nguồn lực… Hà Nội cũng sẽ tiếp tục kiến nghị Quốc hội, các sở, ban, ngành để giải quyết các vấn đề cho thành phố trong thời gian tới.
16:44 24/09/2020
Ông Bùi Hữu Việt (huyện Gia Lâm) hỏi: Trong kế hoạch 5 năm 2020-2025, Hà Nội sẽ có ít nhất 5 huyện được xây dựng thành quận, do đó vấn đề quy hoạch nông thôn phải được giải quyết triệt để. Đề nghị đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết những nội dung cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hà Nội với các cơ quan trung ương?
Ông Lã Hồng Sơn, Tổ trưởng Tổ Công nghiệp - Nông nghiệp nông thôn, Phó Trưởng phòng Quy hoạch - Kiến trúc II, Sở Quy hoạch - Kiến trúc: Công tác phát triển đô thị và đặc biệt là các huyện trong quá trình đô thị hóa nhanh phải được đặt trong tổng thể chung. Chúng ta vừa phải triển khai các bước quy hoạch mang tính dài hạn nhưng cũng có những công việc phải triển khai sớm trong giai đoạn hiện nay. Đối với không gian trên địa bàn thành phố, Sở đã có văn bản hướng dẫn với 18 đơn vị cấp huyện về rà soát quy hoạch và phù hợp định hướng phát triển đô thị, trong đó có 5 huyện sẽ phát triển thành quận.
Trong giai đoạn hiện nay, Sở đã có kế hoạch chuẩn bị trình UBND thành phố ban hành kế hoạch tổng thể về công tác quy hoạch trong 5 năm tới (2020-2025) với những mục tiêu tổng quát, rà soát các quy hoạch, xác định xây dựng các khu vực nông thôn đáp ứng tiêu chí tiêu chuẩn của đô thị như huyện phát triển thành quận, xã phát triển thành phường; từng bước đáp ứng được chỉ tiêu, tiêu chí về hạ tầng giao thông khung, hệ thống hạ tầng xã hội khung. Trên cơ sở đó, có những định hướng về đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ không gian sản xuất, không gian dự kiến phát triển đô thị trong thời gian tới; hạn chế và tránh lãng phí về nguồn lực đầu tư. Nội dung này đã được Sở cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn.
Về các kiến nghị cụ thể với các bộ, ngành trung ương, có nhóm công việc rất bức thiết trên địa bàn Thủ đô cần được tháo gỡ như di dời cơ sở gây ô nhiễm; cải tạo 29 khu chung cư cũ, kiểm soát vấn đề gia tăng áp lực cho nội đô… Đây là là nhóm công việc Thành ủy Hà Nội và các bộ ngành đã có trao đổi bước đầu và cần xây dựng chương trình phối hợp, chia thành các nhóm công việc cụ thể để có kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
16:36 24/09/2020
Bạn đọc Nguyễn Hải Thanh (quận Hai Bà Trưng) hỏi: Thời gian qua quận đã phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan triển khai lập nhiều quy hoạch, xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, tiến hành chỉnh trang đô thị; không để phát sinh các trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo " tại các tuyến đường mới mở hoặc mới được cải tạo, mở rộng. Công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đã gặp khó khăn như thế nào và cần triển khai những biện pháp gì để thực hiện hiệu quả công tác này?
Ông Nguyễn Tiến Quang, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quận ủy Hai Bà Trưng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, chúng tôi tăng cường quản lý đô thị, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, kết nối dự án giao thông, tăng cường quản lý hạ tầng kỹ thuật, kết hợp chỉnh trang đô thị đồng bộ giữa đường phố, cây xanh...
Quận có chủ trường ngay từ ban đầu tại các tuyến đường mới mở là không để tình trạng nhà mỏng, nhà méo làm mất mỹ quan đô thị. Vì vậy, chúng tôi sớm phân loại các trường hợp có dấu hiệu "siêu mỏng, siêu méo", từ đó thông báo đến các hộ khuyến khích họ thực hiện hợp thửa, hợp khối. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện... Nhờ cách làm đó, hiện nay gần như 100% tuyến đường mới mở trên địa bàn quận không có tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo".
16:25 24/09/2020
Bạn đọc Nguyễn Đức Hồng (phố Mạc Thái Tổ, quận Cầu Giấy) hỏi: Với nỗ lực lập lại kỷ cương trong hoạt động xây dựng, những năm qua, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị của Hà Nội có những chuyển biến mạnh mẽ, tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã giảm mạnh. Có thể nói, Hà Nội đạt được những kết quả ấn tượng đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp chính quyền và thực hiện mô hình mới trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Vậy lãnh đạo Sở Xây dựng có thể cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc về vấn đề này?
Ông Nguyễn Việt Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng: Trên địa bàn Hà Nội có khoảng trên dưới 20 nghìn công trình xây dựng, trong đó có nhiều dự án lớn. Những năm gần đây, vi phạm xây dựng trên địa bàn giảm rõ rệt, chỉ có 2,5% tính đến hết tháng 9. Đạt được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao của thành phố, cũng như UBND các quận, huyện. Công tác quản lý được cải thiện rõ nét, trong đó, mô hình thanh tra xây dựng theo hướng quản lý mới đã phát huy hiệu quả.
Hà Nội được thí điểm đưa đội quản lý trật tự xây dựng vào hoạt động, do các quận, huyện, thị xã trực tiếp quản lý trong 2 năm qua; cùng với đó, Sở cũng tham mưu để ban hành quy định Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trực tiếp, nâng cao vai trò của chính quyền địa phương. Sau khi chuyển giao lực lượng thanh tra xây dựng, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo để nắm chắc tình hình, tạo điều kiện để công tác giám sát cộng đồng tốt hơn trên địa bàn, tạo tính năng động của cán bộ ở địa phương… Lực lượng quản lý trật tự xây dựng đã xử lý sớm những vấn đề phát sinh về xây dựng trên địa bàn.
Thời gian thí điểm đã kết thúc từ tháng 8, hồ sơ xin thí điểm tiếp 3 năm đã hoàn thành ở cấp thành phố và trình Chính phủ.
16:13 24/09/2020
Bạn đọc Nguyễn Thị Hương (huyện Hoài Đức) hỏi: Được biết, bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách, huyện Hoài Đức cũng như nhiều địa phương khác trong thành phố đã thực hiện tốt việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, đề nghị lãnh đạo huyện Hoài Đức làm rõ thêm vấn đề này?
Ông Bùi Thế Gia, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị, huyện Hoài Đức: Hoài Đức là huyện ven đô nằm ở phía Tây trung tâm thành phố Hà Nội, giáp các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và quận Hà Đông, tổng diện tích tự nhiên 8.493,15ha, dân số trên 27 vạn người. Theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô, được quy hoạch là đô thị trung tâm của thành phố Hà Nội với hệ thống kết cấu hạ đồng bộ, các đồ án quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chuyên ngành trên địa bàn đều đã được phê duyệt, đồ án quy hoạch nông thôn mới của các xã được duyệt theo hướng phát triển đô thị...
Huyện đã xác định thực hiện Chương trình 06-CTr/TU và đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận là nhiệm vụ trọng tâm của huyện để phát triển huyện theo hướng đô thị. Qua gần 5 năm tổ chức triển khai thực hiện chương trình, nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật khung, quan trọng trên địa bàn dần hình thành, hệ thống hạ tầng xã hội, nhiều khu đô thị mới được đầu tư xây dựng đồng bộ. Huyện đã chủ động triển khai nhiều dự án tập trung vào các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh như: 185 km đường trục xã, liên xã và đường trục thôn đồng bộ về hệ thống chiếu sáng, thoát nước; 73 km đường giao thông ngõ xóm theo Quyết định 16 của UBND thành phố; xây dựng mới 18 trường học đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế, bãi trung chuyển rác thải…
Huyện cũng đã đầu tư các công trình hạ tầng giao thông khung để từng bước kết nối tổng thể các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn huyện: Tuyến đường vành đai 3.5, tuyến đường đê tả Đáy, hoàn thiện thủ tục 6 tuyến đường giao thông khung để triển khai hoàn thành trong năm 2021 và 2022. 100% hệ thống giao thông các khu dân cư được cứng hóa, tỷ lệ giao thông đến nay đạt 9,72km/km2. 100% các tuyến đường trục chính, đường trục xã, thôn, xóm được đầu tư hệ thống chiếu sáng bằng đèn Led nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, cảnh quan đô thị.
Đồng thời, huyện phối hợp triển khai thực hiện dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Nhà máy xử lý nước thải Dương Liễu, Sơn Đồng; phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước chung, các trạm xử lý nước thải vùng bãi sông Đáy. Về cấp nước sạch, đến nay 20/20 xã, thị trấn đã có hệ thống nước sạch; tỷ lệ số hộ dân dùng nước sạch đạt trên 80%. Huyện phấn đấu đến đầu năm 2021, 100% dân cư được tiếp cận sử dụng nước sạch.
Công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông được quan tâm thực hiện. Xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn có nhiều tiến triển tốt, một số khu đô thị, cụm chung cư được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ thu hút dân cư về sinh sống như các khu đô thị Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Vinhomes Thăng Long...
Những kết quả thực hiện Chương trình 06-CTr/TU trên địa bàn đã góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng của huyện. Đến nay, qua rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng so với yêu cầu tiêu chí thành lập quận, huyện đã đạt 22/27 tiêu chí; 2 tiêu chí cơ bản đạt (chỉ tiêu giao thông, cây xanh công cộng); 3 tiêu chí chưa đạt (chỉ tiêu cơ sở y tế; xử lý nước thải và cân đối thu chi ngân sách) đang được tập trung chỉ đạo và có lộ trình thực hiện.
16:09 24/09/2020
Bà Nguyễn Thị Yến (huyện Thanh Trì) hỏi: Đề nghị đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội thông tin về những mô hình mới thu được hiệu quả cao trong thực hiện Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô thời gian qua?
Ông Nguyễn Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội: Thời gian qua, kết cấu hạ tầng xe buýt được đầu tư đồng bộ, năng lực vận tải hành khách công cộng được tăng cường nhằm ứng nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, vào thời điểm hiện tại mạng lưới xe buýt đã bao phủ 30 quận, huyện, thị xã đạt tỷ lệ 100%, gồm 127 tuyến (trong đó có 104 tuyến có trợ giá).
Nếu như vào năm 2015 mới có 310/584 phường, xã, thị trấn của Thủ đô có tuyến xe buýt kết nối (chiếm tỷ lệ 53,1%) thì hiện nay con số đã được nâng lên đạt tỷ lệ gần 80%. Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã phát triển xe buýt 2 tầng phục vụ du lịch.
Song song với phát triển hạ tầng đô thị, mở rộng mạng lưới tuyến, Tổng công ty cũng ra nghị quyết chuyên đề triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, triển khai có hiệu quả việc đầu tư phương tiện, nhận dạng thương hiệu giúp hình ảnh xe buýt thân thiện hơn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện; xây dựng hình ảnh nhân viên phục vụ xe buýt thân thiện, tăng cường các chương trình giáo dục, đào tạo, nâng cao kỹ năng và thái độ phục vụ khách hàng và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, cung cấp dịch vụ cho hành khách. Tổng công ty đã nâng cấp trung tâm điều hành thông minh; triển khai bán vé tháng qua mạng; thí điểm vé xe buýt không dùng tiền mặt, lắp đặt hệ thống camera, wifi phục vụ hành khách…
16:04 24/09/2020
Bạn đọc Nguyễn Hùng (địa chỉ email hahung@hotmail.com) hỏi: Hoàn Kiếm là quận trung tâm thành phố, có rất nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ người dân và khách du lịch quốc tế. Vậy làm thế nào để kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị văn minh, hiện đại và phát triển kinh tế đô thị bởi đây là hai vấn đề có rất nhiều mặt đối lập, rất khó để dung hòa trong một tổng thể?
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm: Không giống với quy hoạch khu đô thị chuyên về hành chính dân cư, nhà ở, đô thị của quận Hoàn Kiếm được hình thành từ lâu với quy hoạch đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội và thiết chế văn hóa đã tạo đặc điểm riêng cho đô thị quận Hoàn Kiếm. Với đặc điểm đó, chức năng sử dụng trong đô thị rất rõ.
Việc tổ chức không gian đi bộ trong khu phố cổ và quanh hồ Hoàn Kiếm cho thấy, đưa thêm chức năng hoạt động vào bên trong của đô thị đã giúp đạt được mục tiêu kép mà chúng tôi đã nghiên cứu. Đó là tạo ra nơi sinh hoạt cho người dân ở địa bàn và tạo nên sự an toàn khi người dân tham gia trong không gian đi bộ; giảm khí thải, tiếng ồn, khói bụi trong khu vực trung tâm; tạo các điểm đến cho người dân thành phố, khách du lịch khi đến Hà Nội được vãn cảnh hồ Hoàn Kiếm cùng nhiều di tích khác. Từ đó, người dân và du khách có điều kiện để hiểu thêm giá trị văn hóa Hà Nội. Đây là động lực thúc đẩy, phát triển lĩnh vực du lịch của quận. Từ hoạt động này, nhiều việc làm đã được tạo ra cho người dân quận và chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước của quận tăng mạnh trong những năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.