(HNM) - Không khí World Cup vẫn đang sôi sục bất chấp cái nắng nóng của Hà Nội. Và bên cạnh trái bóng thì những "con chiên" của túc cầu giáo cũng đang xôn xao quanh câu chuyện về một con bạch tuộc.
Trở thành một hiện tượng của thế giới với rất nhiều chủ đề thảo luận, cái tên Paul nằm trong danh sách 10 từ xuất hiện nhiều nhất trên mạng xã hội Twitter và Facebook. Hàng tỷ người ngả mũ thán phục về khả năng dự đoán siêu phàm của "thầy" bạch tuộc Paul. Thế nhưng, sau vòng đấu bán kết, cổ động viên của Đức lại sục sôi đòi đưa "thầy" vào nồi bởi vì đã không thiên vị đội nhà khiến tuyển Đức thảm bại.
Nhưng ở đây chỉ xin mượn "con bạch tuộc" để nói về câu chuyện dự báo.
Ở nước ta, những năm gần đây việc dự báo đã được thực hiện ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực, từ dự báo kinh tế, tăng trưởng, đến dự báo thị trường chứng khoán, bất động sản và cả những thứ nhỏ nhặt trong sinh hoạt tiêu dùng hằng ngày như giá cả mớ rau, cân thịt. Có khi thông tin dự báo do một cơ quan chuyên nghiệp đưa ra, có khi do một doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực dự liệu, thế nhưng cũng có khi dự báo chỉ do một chuyên gia hay đơn giản hơn là một tờ báo (một phóng viên). Chính cái sự đa dạng ấy đang tạo ra một tình trạng chênh vênh của dự báo. Sự thật là công tác này chưa được coi trọng đúng tầm dù có nhiều cơ quan dự báo và phân tích chuyên ngành.
Một trong những bài học đắt giá nhất về dự báo xảy ra cách đây không lâu là câu chuyện về dự báo không chuẩn của ngành khí tượng thủy văn khiến cho Thủ đô Hà Nội bất ngờ trước trận mưa gây ngập lụt, từ đó dẫn đến những thiệt hại lớn do không kịp phòng chống. Hay việc người dân miền Trung điêu đứng vì thông tin dự báo sai về cơn bão số 9 (năm 2009). Ở khía cạnh kinh tế, đầu năm 2008, các cơ quan chức năng dự báo tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2008 sẽ ở mức 9,1%; lạm phát 8%. Nhưng thực tế, tăng trưởng chỉ đạt trên 6% và lạm phát thực tế là 24%, gấp ba lần dự báo. Còn chuyện dự báo sai hoặc dự báo rởm, tung hỏa mù trên thị trường chứng khoán, bất động sản, xi măng, sắt thép… đều đã xảy ra khá thường xuyên. Gần đây nhất là việc dự báo không chuẩn về tình hình sản xuất, xuất khẩu lúa gạo khiến cho nông dân Nam bộ bị một phen hú vía.
Có thể khẳng định trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thì dự báo là một trong những khâu mang tính sống còn. Dự báo là một khoa học, nó vừa đòi hỏi có trình độ chuyên môn, lý luận và thực tiễn, đòi hỏi phải có thông tin trung thực, khách quan và bản thân việc dự báo cũng phải trung thực, mang tính độc lập. Dự báo sai thì mục tiêu sẽ sai, giải pháp sẽ không phù hợp. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế, dự báo được coi là yếu tố cực kỳ quan trọng. Khi có quá nhiều dự báo khác nhau sẽ gây nhiễu thông tin hoặc dự báo xa thực tế sẽ dẫn đến hoạch định chính sách không chính xác, điều hành không phù hợp. Hiện nay, những kế hoạch chiến lược có "tầm nhìn xa" 10 năm, 20 năm, thậm chí xa hơn nữa, đang được xây dựng ở hầu hết các ngành, các địa phương. Nếu những chiến lược ấy mà thiếu sự tính toán dự báo có tính khoa học thì hệ lụy thật khó lường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.