(HNMCT) - Tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận được tập thơ mới xuất bản của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh mang tên “Chồi biếc” (NXB Văn học, quý I năm 2022). Đó là một tập thơ đầy đặn, dày trên 370 trang, với trên 90 bài được viết từ năm 2020 đến 2022, cho thấy sức sáng tạo đáng kể của Nguyễn Hồng Vinh.
Thơ trong “Chồi biếc” bộn bề cảm xúc, nhiều ngẫm ngợi, nhiều gợi mở, có xuất phát từ đời sống và gắn bó với cuộc sống, tựa như không cảm xúc thì không có thơ, không ngẫm ngợi thì không có thơ, không gợi mở thì không có thơ, không có đời sống và không gắn bó với đời sống thì cũng không có thơ. Thơ trong “Chồi biếc” là thơ của một người có đức tin và theo đuổi đức tin đến tận cùng. Đó là điều rất quan trọng.
Trong đời sống này, Nguyễn Hồng Vinh luôn mong có người hiểu mình nên có lúc, ông đã phải thốt lên: “Ai tri âm, tri kỷ” ("Bó hoa trước cửa"). Sống ở đời mà có tri âm, tri kỷ đã là may mắn, đã là hạnh ngộ. Mặt khác, Nguyễn Hồng Vinh coi tình bạn, tình thơ là “những cuộc tìm nhau” ("Tìm nhau"); trên dải đất hình chữ S này, dù trong hoàn cảnh nào, con người “cũng chung số phận” ("Thêm những tình ca"); không chỉ ở tuổi thanh xuân mà bất kỳ tuổi nào của đời người cũng là “cuộc lên đường” ("Xanh mãi những cuộc lên đường"). Ông tin ở con người, đặt lòng tin vào con người và coi con người là một hiện thực trung tâm, bao trùm lên tất cả. Với ông, hoa dù đẹp đến đâu cũng vô nghĩa nếu như thiếu người, nếu chỉ có một mình. Bởi thế, trong “Bâng khuâng anh đào”, ông mới viết: “Một mình anh giữa chiều tà gió lạnh/ Ghế đá trơ trọi công viên/ Lớp sỏi đá đi chẳng chút thanh âm/ Những chùm hoa như đang ngái ngủ...”. Và: “Cốm vắng em bớt xanh/ Hoa sưa chuyển màu trắng đục/ Liễu hồ rủ tóc canh khuya/ Hồ Gươm sóng chìm dưới đáy/ Tìm người in bóng bấy nay” ("Nguyên cớ").
Có lúc, trong “Nhớ mãi suối Đôi”, ông nhớ hơi ấm con người mà lòng không khỏi dào lên tiếc nuối đến nghẹn lòng: “Suối Đôi vẫn lặng thầm chảy miết/ Nước trong nhìn thấu đá dưới lòng/ Bóng đôi ta dạo qua chiều ấy/ Như còn hơi ấm đâu đây”. Với ông, kỷ niệm là sự “lưu giữ ánh trăng”, không quên “ánh trăng ngần”, luôn “vằng vặc ánh trăng”.
Còn đây là những câu thơ thật đẹp, thật lãng mạn liên quan đến trăng và những đêm trăng trong “Một thoáng sông Cầu”: “Ta rời quê Kinh Bắc/ Mang theo cả những đêm trăng/ Sông Cầu lơ thơ nước chảy/ Thầm thì những cặp tình nhân”. Và đây nữa, trong “Cầu Rào”: “Những cặp uyên ương qua đây ra đồi thông vi vút/ Khấp khởi đón tuần trăng mật/ Giữa đêm hè tắm trăng, nghe biển hát”... Nhưng kỷ niệm da diết hơn cả, máu thịt hơn cả vẫn là nhớ những dòng sông quê với tâm thế: “Dù ở chân trời góc bể/ Vẫn vang tiếng sóng dòng sông”. Tiếng sóng ấy, chắc chắn không chỉ ở lòng sông mà cơ bản là ở lòng người, tự lòng người.
Nếu coi thơ Nguyễn Hồng Vinh là những bức tranh, thì gam chủ đạo trong những bức - tranh - thơ của ông là màu xanh. Dường như lúc nào ông cũng muốn “nhân tiếp màu xanh”, muốn “xanh mãi những cuộc lên đường”, muốn “niềm xanh lên vời vợi”. Ngay cả trong lúc bi lụy nhất, mất mát nhất, ông vẫn khai thác triệt để màu xanh như là nhãn quan và biểu tượng sâu sắc của sự lạc quan: “Tháng tư về, Quảng Trị lại lay thức trong tâm/ Những Thành Cổ, Ba Lòng, Gio Linh, Đường 9.../ Bao đồng đội tôi đã xanh trong đất/ Có anh tôi, mãi mãi không về” ("Quảng Trị trong tôi"). “Xanh trong đất” là một cách gọi kiểu Nguyễn Hồng Vinh có sắc màu lạc quan.
Đọc “Chồi biếc”, tôi không khỏi tâm đắc với những chi tiết thơ, đơn vị thơ có sắc màu triết lý. Đó là “Anh thấu hiểu giải mã cho chính mình là cuộc trường chinh/ Khó nhất trong muôn vàn cái khó” trong “Giải mã”, “Đời - bài toán cộng, trừ/ Như thủy triều lên - xuống/ Sau ngày dài mưa rét/ Nắng đang hừng ngọn cây” trong “Thoáng chút tháng mười” và “Hạnh phúc xây từ thương đau” trong “Vẫn sân ga này”. Đó là những chi tiết thơ đáng nhớ.
“Chồi biếc” trước hết là biểu hiện một sự tiềm tàng xanh của lá, tiềm tàng sự sống, tiềm tàng sức sống của cây nói riêng và vạn vật nói chung, sau đó cũng là tiềm tàng thơ của người thơ Nguyễn Hồng Vinh ở tập thơ thứ mười này. Ở tuổi 77, với Nguyễn Hồng Vinh, thi ca hình như chưa có tuổi bao giờ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.