(HNM) - Sau nhiều giờ đàm phán ở Brussels (Bỉ), kéo dài từ đêm 20 tới rạng sáng 21-6, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thể lựa chọn được ứng cử viên cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhiệm kỳ tới.
Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy những bất đồng xung quanh việc tìm người kế nhiệm ông Jean-Claude Juncker sẽ được hóa giải trong hội nghị sẽ diễn ra vào ngày cuối cùng của tháng 6.
Các ứng viên được đề cử cho vị trí Chủ tịch EC nhiệm kỳ mới. |
Những nhiệm kỳ vừa qua, chức vụ trên do lãnh đạo các nước thành viên EU trực tiếp lựa chọn. Thông thường, ứng viên không quá nghiêng theo chính đảng nào và không mang quốc tịch những nước có ảnh hưởng nhất trong khối sẽ “trúng cử”. Điều này nhằm duy trì sự cân bằng trong EU. Nhưng quy trình bổ nhiệm bắt đầu thay đổi từ năm 2014. Theo đó, lãnh đạo EC phải có cùng khuynh hướng chính trị của đảng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) hoặc của liên minh chiếm đa số.
Sau khi cuộc bầu cử EP kết thúc, lãnh đạo các nước đã nhiều lần nhóm họp để thảo luận về vấn đề này. Những khác biệt chủ yếu nằm ở quan điểm giữa Pháp và Đức - hai quốc gia đầu tàu của Cựu lục địa. Hai bên có lập trường trái chiều không chỉ về các ứng cử viên tiềm năng mà cả về những thể thức liên quan tới việc lựa chọn họ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ mạnh mẽ đối với cơ chế Spitzenkandidat, cho phép khối chính trị lớn nhất trong EP có quyền chọn người thay thế Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phản đối mạnh mẽ điều này.
Trong khi Thủ tướng A.Merkel ủng hộ ứng cử viên người Đức Manfred Weber thuộc đảng Nhân dân châu Âu, nhóm chính trị lớn nhất tại EP thì Tổng thống E.Macron lại đang tìm cách ngăn cản ông M.Weber với lập luận ứng viên này thiếu kinh nghiệm điều hành. Ông chủ điện Elysee đề cử nhóm trung tả gồm: Cao ủy EU về cạnh tranh Margrethe Vestager (người Đan Mạch), cựu Ngoại trưởng Pháp Michel Barnier và Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans (người Hà Lan).
Theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử EP vừa qua khiến EU bị phân mảnh nhiều hơn nên cơ hội đạt được sự đồng thuận sẽ càng khó khăn. Đây là lần đầu tiên trong vòng 40 năm, phe trung hữu và trung tả không giành được đa số ghế tại EP.
Nhiều cử tri đã quay lưng lại với đảng Xã hội và đảng Nhân dân châu Âu (EPP) mà một trong những nhân vật chủ chốt của đảng này là Thủ tướng Đức A.Merkel. Kết quả cuộc bầu cử EP cũng cho thấy sự chia rẽ ngày càng tăng về tương lai của EU. Khi có thêm tiếng nói tại EP, phe dân túy và dân tộc chủ nghĩa sẽ thúc đẩy chính sách cứng rắn hơn về các vấn đề kiểm soát tình trạng nhập cư và ngân sách.
Nói cách khác, thay vì chỉ có 2 nhóm chính trị như trước đây, EP hiện giờ là cuộc cạnh tranh của 4 nhóm chính trị lớn. Đảng Nhân dân châu Âu, Liên minh Chủ nghĩa xã hội và Dân chủ, đảng Phục Hưng châu Âu và đảng Xanh sẽ phải tìm kiếm được thỏa thuận phân chia 5 vị trí quan trọng của EU.
Để trúng cử, ứng viên sẽ phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 21 trong số 28 nhà lãnh đạo của khối cũng như giành đa số ủng hộ tại EP gồm 751 thành viên. Đây chắc chắn sẽ là một tiến trình không hề dễ dàng.
Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo EU phải hoàn tất danh sách đề cử ứng viên vào các chức vụ chủ chốt trước ngày 2-7 để EP bỏ phiếu tín nhiệm. Chủ tịch EC mới sẽ bắt đầu nhiệm kỳ vào tháng 10 để có thể tham gia các cuộc đàm phán về ngân sách dài hạn của khối. Vì thế, cuộc thỏa hiệp trong ngày 30-6 tới được dự báo sẽ vô cùng căng thẳng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.