(HNM) - Ngày 17-5, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị
Hệ lụy từ phát triển nóng
Sau nhiều nỗ lực giải cứu, giá thịt lợn hơi trên thị trường đã có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp. Ngày 17-5, giá bán thịt lợn hơi trên thị trường cả nước dao động từ 25.000 đến 29.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cá biệt một số nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ… giá bán chỉ ở mức 18.000 đến 20.000 đồng/kg. Với giá bán này, người chăn nuôi vẫn lỗ nặng.
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, hiện cả nước còn tồn đọng khoảng 200.000 tấn thịt lợn hơi đến kỳ xuất chuồng. Tại Hà Nội còn tồn đọng khoảng 72.000 con lợn có trọng lượng từ 100 đến 150kg/con...
Việc phát triển nóng, phá vỡ quy hoạch khiến nguồn cung sản phẩm chăn nuôi vượt quá nhu cầu thực tế. Ảnh: Anh Tuấn |
Tương tự sản phẩm gia cầm sản xuất ra cũng gặp vô vàn khó khăn. Tại các tỉnh phía Bắc, sản phẩm trứng gia cầm đang tồn đọng số lượng lớn kéo theo giá trứng gia cầm trên thị trường giảm xuống từ 1.300 đến 1.500 đồng/quả, thấp hơn giá thành sản xuất 500 đồng.
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân, nguyên nhân khiến giá sản phẩm chăn nuôi lao dốc thời gian qua do phát triển nóng, phá vỡ quy hoạch nên sản phẩm chăn nuôi vượt xa khả năng tiêu thụ. Ông Hoàng Thanh Vân cho rằng, mấy năm qua, ngành chăn nuôi duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đàn gia cầm tăng 7%/năm, sản phẩm trứng tăng 8%/năm, đàn bò sữa tăng từ 20 đến 30%, bò thịt tăng từ 15 đến 20%/năm… Trong khi đó mùa hè đến các sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi như thịt lợn, gia cầm, trứng… sẽ tiêu thụ chậm dẫn đến gia tăng áp lực về đầu ra và giảm giá.
Người chăn nuôi trong nước kỳ vọng vào xuất khẩu nhưng thị trường này chủ yếu thông qua đường tiểu ngạch, số lượng tiêu thụ nhỏ. Việc đa dạng hóa sản phẩm sau chế biến cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều sản phẩm sau chế biến từ chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu, riêng 4 tháng đầu năm cả nước nhập khẩu khoảng 25.000 tấn thịt gà và hơn 78.000 con trâu, bò…
Ngoài ra, khâu kiểm soát tiêu thụ còn những lỗ hổng, thương lái lũng đoạn thị trường, tạo tâm lý đám đông ảnh hưởng tới tâm lý người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng. Đơn cử, trong đợt cao điểm tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn thời gian qua, thông tin về giá giảm sâu từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg đã tạo điều kiện cho thương lái ép giá người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, giá thành sản xuất chăn nuôi của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới, nhất là một số sản phẩm như sữa, thịt bò, thịt lợn... Ông Nguyễn Sinh Tung, chuyên viên Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết: Hiện việc nhập khẩu bò thịt ồ ạt với số lượng lớn dẫn tới chăn nuôi bò thịt của các hộ nông dân không cạnh tranh được về giá và chất lượng sản phẩm nhập khẩu.
Nỗ lực ổn định chăn nuôi
Trước thực trạng ngành chăn nuôi đối diện với hàng loạt thách thức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng kiến nghị, cần sớm có luật chăn nuôi để ngăn chặn chăn nuôi tự phát, không theo quy hoạch. Ở vùng có điều kiện thế mạnh về đất đai, khí hậu chuyển từ chăn nuôi gia súc, gia cầm sang trồng cây dược liệu hoặc nuôi con đặc sản bản địa.
Các địa phương cần có biện pháp mạnh để ổn định đàn vật nuôi, bởi tâm lý giữ đàn chờ giá vẫn xảy ra ở nhiều người chăn nuôi. Đi đôi với thải loại giống chất lượng thấp cần có biện pháp đầu tư chăm sóc, nhân rộng các giống vật nuôi chất lượng cao nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Trước hiệu quả thấy rõ tại các điểm bán hàng trợ giá, bình ổn giá, bán giá gốc các loại sản phẩm chăn nuôi thời gian qua, đại diện Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đề xuất, cần tăng cường kiểm soát khâu lưu thông, bảo đảm thị trường minh bạch, theo hướng hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn. Đồng thời, triển khai hệ thống quản lý chăn nuôi quốc gia để có biện pháp điều hành sản xuất trong nước, điều hành xuất nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi phù hợp.
Đồng quan điểm trên, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân nhấn mạnh: Trong khi chờ cơ quan chức năng làm việc với đối tác Trung Quốc để đẩy nhanh lộ trình sớm gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với các loại thịt gia súc của Việt Nam, các địa phương vẫn cần giảm mạnh tổng đàn chăn nuôi.
Để ổn định chăn nuôi và có các biện pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện báo cáo về tổng đàn, quy mô, số lượng sản phẩm chăn nuôi… trước ngày 25 hằng tháng. Mọi thông tin về thị trường và tình hình chăn nuôi, xuất nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi chính thống do Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương phải được cung cấp, thông báo để tránh nhiễu loạn thông tin...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.