Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành chăn nuôi vào vụ cuối năm

Ngọc Quỳnh| 20/11/2022 06:39

(HNM) - Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi đang tích cực tái đàn, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ngành Nông nghiệp đã yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương triển khai những giải pháp cân đối cung cầu, góp phần ổn định giá cả thị trường.

Chăm sóc đàn lợn tại xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

Nguồn cung thực phẩm ổn định

Cùng với việc tái đàn, những ngày này, các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp đang tập trung phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc đàn vật nuôi nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm. Theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh, cùng với việc duy trì ổn định sản xuất với tổng đàn 3.000 lợn giống, 17.000 lợn thương phẩm, hợp tác xã đã ký kết hợp đồng với một số doanh nghiệp để bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Hiện tại, mỗi ngày hợp tác xã bán ra thị trường khoảng 200 con lợn thịt, dịp Tết Nguyên đán có thể tăng 10-15%.

Còn Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì (huyện Ba Vì) Trần Đình Thành cho biết, tổng đàn gà của huyện Ba Vì khoảng 3 triệu con; có những trang trại lớn, quy mô lên đến 10.000 con, tập trung chủ yếu ở các xã Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng. Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm được kiểm soát, giá bán tương đối ổn định, các hộ chăn nuôi yên tâm tái đàn, dự kiến có thể cung cấp hơn 100 tấn gà thịt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo thông tin từ Sở NN& PTNT Hà Nội, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, tổng đàn trâu, bò khoảng 166.304 con; đàn lợn gần 1,6 triệu con; đàn gia cầm hơn 38,5 triệu con. Với tổng đàn như hiện nay, chăn nuôi gia cầm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán. Với các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, ngành Nông nghiệp đã chủ động ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành phố, bảo đảm đủ nguồn cung cho thị trường.

Trao đổi về tình hình chăn nuôi trên địa bàn cả nước các tháng cuối năm, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho biết, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,6 triệu con (tăng 13,6%), gia cầm 533 triệu con (tăng 5,2%)... Giá thịt lợn hơi hiện nay giảm so với tháng trước, giá gia cầm tương đối ổn định. Hiện tại, các cơ sở chăn nuôi đang tập trung tái đàn, tăng cường nguồn cung thực phẩm cho thị trường cuối năm và các kỳ lễ, Tết sắp tới.

Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi 10 tháng năm 2022 tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Với việc tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoàn toàn có cơ sở khẳng định thực phẩm cuối năm nay dồi dào, bảo đảm đủ nguồn cung...

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Năm 2022, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất khoảng 5-6% so với năm 2021; sản lượng thịt các loại ước đạt 6,98 triệu tấn, trong đó thịt lợn là hơn 4,3 triệu tấn. Để hoàn thành mục tiêu này, đồng thời kiểm soát giá gia súc, gia cầm, đặc biệt là giá thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển chăn nuôi, hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông sản phẩm. Mặt khác cần thúc đẩy triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, nhất là đối với chăn nuôi lợn.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, những tháng cuối năm 2022, ngành Nông nghiệp tập trung hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh việc tái đàn, nâng cao hiệu quả sản xuất. Sở NN& PTNT Hà Nội đã yêu cầu các địa phương theo dõi tình hình dịch bệnh nguy hiểm như bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục… để từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, không để phát sinh ổ dịch.

Phó Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết, tổng đàn trâu của tỉnh Bắc Giang khoảng 37.000 con, đàn bò hơn 112.000 con, đàn lợn 931.000 con, đàn gia cầm gần 21 triệu con. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp Tết Nguyên đán, trong đó có thị trường Hà Nội, ngành Nông nghiệp Bắc Giang đã yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân tái đàn, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin thêm, Bộ đã yêu cầu Cục Chăn nuôi cân đối cung cầu các mặt hàng thịt lợn, gia cầm… giữa các vùng miền, địa phương để ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá cục bộ; thúc đẩy các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, giảm thiểu các khâu trung gian phát sinh chi phí lưu thông, tăng giá bán. Thời điểm hiện tại, Bộ NN&PTNT đang tập trung triển khai các giải pháp đẩy mạnh tái đàn và sản xuất con giống, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn việc xuất khẩu thịt lợn mảnh, lợn xẻ... qua đường tiểu ngạch, bảo đảm nguồn cung trong nước vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành chăn nuôi vào vụ cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.