Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp đột phá cho vùng Đông Nam Bộ

Đặng Loan| 26/09/2017 20:41

(HNMO) - Vùng Đông Nam Bộ có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nếu so với các vùng kinh tế khác trên cả nước, nhưng sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.


Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ năm 2017 do Ban Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND các tỉnh Đông Nam Bộ tổ chức với chủ đề “Tái cơ cấu Kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng”.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 40% GDP, đóng góp gần 60% thu ngân sách quốc gia, GDP tính theo đầu người cao gấp 2 lần mức bình quân cả nước. Những năm qua, các địa phương này phát triển ngày càng năng động, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, bền vững ở nhiều lĩnh vực như điện tử, phần mềm, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, viễn thông, du lịch…

Tuy nhiên, theo ông Cao Đức Phát, sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Ông Cao Đức Phát đã chỉ ra một số hạn chế cơ bản như: kết cầu hạ tầng của vùng chưa theo kịp yêu cầu phát triển; giữa các tỉnh, thành phố còn thiếu sự phối hợp, thậm chí cạnh tranh nhau về chính sách, hệ thống dịch vụ công; Ban Chỉ đạo Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm hoạt động kém hiệu quả do thiếu cơ chế có hiệu lực để thực thi các quyết sách đã được thống nhất…

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, bức tranh chung của vùng kinh tế là tính liên kết còn khá yếu. Đặc trưng chung là mạnh ai nấy làm, chưa hình thành được kết nối về chiến lược, quy hoạch, cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực..., trong đó trọng tâm nhất chính là thiếu kết nối của các doanh nghiệp.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, có tình trạng trên là do chưa định hình rõ mục tiêu đầu tàu trong phát triển vùng, chưa có chính sách, cơ chế thực sự hỗ trợ, thúc đẩy vai trò "hạt nhân”, “dẫn dắt" của TP Hồ Chí Minh trong sự phát triển vùng. Tư duy phát triển vùng vẫn bị chi phối bởi tư duy "dàn hàng ngang", "chia đều"...


Để Đông Nam Bộ có thể phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế, các đại biểu cho rằng chiến lược phát triển từng tỉnh cần được quy hoạch trong tư duy phát triển vùng. Theo đó, tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng sẽ phát huy tính liên kết thực chất và là định hướng quan trọng để kinh tế Đông Nam Bộ đột phá hơn nữa. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cần đóng vai trò hạt nhân trong việc phát triển nội vùng cũng như liên vùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp đột phá cho vùng Đông Nam Bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.